Con cái có nên học ĐH khi bố mẹ phải...ăn cám để nuôi con?

author 06:59 13/07/2014

Cho đến thời điểm này, quan điểm của Nhà báo Vĩnh Quyên, Đài VOV, đã thu hút rất nhiều ý kiến tham gia bàn luận. Có nhiều ý kiến tỏ ra không đồng tình với cách đặt vấn đề của Nhà báo Vĩnh Quyên.

Qua email chúng tôi nhận được ý kiến của độc giả ký tên Thảo Mộc (tên thật là Đặng Thị Thảo), Thạc sĩ Ngữ văn, hiện nay đang là chủ trang Thatre.vn. Dưới đây, là ý kiến của độc giả Thảo Mộc.

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc các bài báo viết về sự hi sinh của những người cha, người mẹ để con cái học hành nên người vẫn nên tiếp tục được duy trì.

Mấy hôm nay, trên đường tôi đi chợ, đi qua 1 trường THCS, nơi được mượn địa điểm để tổ chức thi Đại học, tôi thấy la liệt những người cha, người mẹ, người anh, người chị, đứng ngoài cổng trường ngóng vào trong, mặt đầy phấp phỏng lo âu. 

Không đừng được, tôi dừng lại và nghĩ về hơn 10 năm trước. Đó cũng là cảnh mà bố mẹ tôi đã làm. Bố mẹ tôi cũng như dòng người này, đang đứng ngoài cổng đón chờ tỉ mỉ từng nét tâm trạng trên khuôn mặt tôi. Bài làm được hay không làm được, họ vẫn luôn cười. Cố gắng cười trước cái nắng oi ả của miền Trung, chỉ để cho con gái cảm thấy thoải mái, vững tin vào môn thi tiếp theo...

Tôi đã đi làm, đã trưởng thành, và mỗi lần nghĩ về sự hy sinh, sự nuôi nấng, chăm bẵm của bố mẹ, tôi luôn cố gắng sống tốt hơn, làm tốt hơn, để hạn chế nhiều nhất sự lo lắng, buồn lòng của Người.

Đặt trường hợp về việc “mẹ 10 năm ăn cám lợn, bố đi ăn xin, bán vé số, mẹ đi nhặt rác, bán máu (chỉ còn thiếu cảnh mẹ đi bán dâm) lấy tiền nuôi con học đại học. Và con số con cái trong các gia đình ấy học đại học được coi là thành quả bù đắp cho sự hy sinh của cha mẹ”, thì có gì là sai?

Con hơn cha là nhà có phúc cơ mà? Tôi luôn ủng hộ việc những đứa con ấy, cố chí mà phấn đấu học hành. Đối với bản thân người bố, người mẹ lúc đó, sự đỗ đạt của con là phần thưởng cao giá đối với sự hy sinh của họ cơ mà? Nếu đứa con không chịu học hành, rẽ sang hướng khác để kiếm ăn, chắc gì không vướng vào vòng xoáy này kia, lại hư hỏng, lại bán vé số, lại ăn xin.... thì lòng người cha, người mẹ có vui được không?

Đến nhận định thứ 2, rằng: “Tại sao họ có thể an nhiên nhận sự hy sinh kinh khủng của những người thân yêu cho cái khát vọng Đại học của họ, thậm chí có là khát vọng của cả dòng họ đi nữa? Cái khát vọng khá viển vông khi hàng ngàn cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường mà không có việc làm đúng với chuyên ngành mình học”- cái này xin thưa, còn tùyVì không thể đánh đồng tất cả.

Trong hàng trăm cử nhân ra trường, cũng có người không xin được việc làm đúng chuyên môn, hoặc thất nghiệp, nhưng trong số đó, liệu có bao nhiêu người là con của những tấm gương người cha người mẹ đã có sự hy sinh lớn lao kia? Chưa ai kiểm chứng được phải không?

Tại sao các bài báo, nếu đã làm phóng sự về những người cha, người mẹ ấy (nếu có thật) thì 4-5 năm sau, sau khi đứa con của họ ra trường, hãy làm thêm những bài báo nữa, về thành quả học tập, thậm chí 9- 10 năm sau, lại làm tiếp bài phỏng vấn về đứa con đó nữa, xem bước đường trưởng thành đến đâu, có xứng đáng với sự hy sinh của bố mẹ hay không????? Sau khi có những kết quả đó, hãy tiếp tục bàn.

Cá nhân tôi, vẫn đánh giá cao việc học hành nghiêm túc và có sự đào tạo bài bản. Chưa bao giờ tôi nghĩ, Đại học là thừa, nhưng tất nhiên, nó không phải là con đường duy nhất để thành công.

“Đọc những bài báo ca ngợi những tấm gương hy sinh khủng khiếp của các người cha, người mẹ này không hiểu sao mình thấy lạnh cả người vì sự vô tâm, không, phải nói là sự nhẫn tâm của những đứa con thì đúng hơn!” Trường hợp này chỉ đúng với những đứa con đạp lên sự hy sinh ấy mà không chịu học hành, chỉ chơi bời lêu lổng thôi. Còn nếu thực sự những đứa con ấy, tu chí học hành, để quyết tâm thành đạt mà đổi đời, thì vẫn đúng là phần thưởng đền đáp cho công lao của bố mẹ.

“Mình cũng lạnh cả người khi nghĩ rằng sau 10 năm ăn cám lợn chắc gì sau này bà mẹ ấy có thể quay lại ăn cơm khi con họ sau khi trở thành ông nọ bà kia quay về báo hiếu! Hay những bà mẹ chục năm bán máu sau này liệu còn sức mà thưởng thức cho dù là sơn hào hải vị các con mang về!” Trường hợp này cũng không thể “Vơ đũa cả nắm”. Thứ nhất, nếu con cái họ được học hành tử tế, có công việc và có thu nhập, thì cũng không phải sống kiếp đời bán vé số, ăn xin nữa _ Lòng người cha, người mẹ còn gì vui hơn. Thứ hai, việc báo hiếu có thể tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, và không phải đứa con nào cũng vô tâm không nghĩ đến công lao, sự hy sinh của bố mẹ mình đâu.

Tóm lại, sau một hồi “chém gió”, thì bản thân tôi thấy vẫn nên tiếp tục viết về những tấm gương hy sinh ấy, tại sao lại không, khi đó cũng phần nào dấy lên trong tôi sự xúc động, bồi hồi về ngày xưa, và nghĩ về tình cảm của bố mẹ mình thiêng liêng hơn. Tôi đã vậy, thì thiếu gì người khác cũng nghĩ vậy, mà cứ lo đã thành “vô cảm”.

Theo Infonet


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang