Con chơi game bị lột truồng giữa phố: ‘Không nghiêm để sau này làm giặc!’

author 17:03 16/05/2016

(VietQ.vn) - Chị Hương, một bà mẹ đã thốt lên như vậy khi tranh luận với bạn bè vụ bố mẹ lột truồng con giữa phố vì mải chơi game.

Một đoạn video đăng trên một diễn đàn của giới trẻ được cho là tại xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh ghi lại cảnh phụ huynh đang ra sức “khống chế” lột truồng cậu con trai của mình (ở độ tuổi lớp 7, 8) trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường.

Cậu bé được cho là trốn đi chơi game và bị mẹ ra tận quán net bắt về. Thay vì khuyên bảo, người mẹ đã đè con ra để lột truồng giữa đường.

Bố mẹ ra sức lột truồng con giữa phố vì mải chơi game. Ảnh cắt từ clip

Cậu bé bị phạt không ngừng khóc lóc, van xin và giãy giụa để giữ quần: “Mẹ ơi con xin lỗi rồi, mẹ cho con về nhà, con xin lỗi rồi, con chừa rồi, con đi về, mẹ ơi cho con đi về, con chừa rồi...”.

TS Vũ Thu Hương - giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi xem clip đã rất bức xúc trước cách giáo dục con phản khoa học của bố mẹ. TS Hương cho rằng: “Giáo dục không phải là giáo dưỡng, dạy con không phải là huấn luyện con vật. Làm như thế chỉ khiến đứa trẻ phát triển một cách cực đoan, chống đối hơn mà thôi”.

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Hội đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), bố mẹ hay có hành vi “làm nhục” trừng phạt con cái để chúng tốt đẹp hơn, cho rằng mình có quyền phạt con cái mà quên mất rằng mấu chốt của giáo dục là để vun đắp những điều tốt đẹp, không phải là để nuôi dưỡng bạo lực.

“Dùng bạo lực có thể ngăn chặn được ngay lập tức hành vi sai của trẻ nhưng sẽ làm tổn thương đến trẻ em. Đặc biệt sẽ tạo ra thói quen bạo lực cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Việc bố mẹ bạo lực với con cái, khi đến trường em bé đó có thể gây ra bạo lực với người khác", bà An nói.

Không chỉ các chuyên gia mà vụ việc cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều phụ huynh. Trên một số diễn đàn, giáo dục con như thế nào qua việc lột truồng con giữa phố tạo nên một cuộc tranh luận nảy lửa.

Một bên cho rằng bố mẹ trong clip làm như thế với con là không đúng. Tuy nhiên, số đông khác lại nói cần phải nghiêm khắc với con cái, đôi khi phải dùng đến “biện pháp mạnh”.

Anh Hùng, một người cha năm nay hơn 40 tuổi và hiện có hai con ngoan ngoãn truyền đạt kinh nghiệm: “Hồi còn bé, không chỉ mình tôi mà nhiều bạn bè khác cùng trang lứa thường xuyên bị bố mẹ, thầy cô cho roi vọt mỗi lần mắc lỗi. Bây giờ, tôi và các bạn của tôi đều đã trưởng thành, nhiều người thành đạt. Tôi cho rằng việc bố mẹ thi thoảng đòn roi cho con cái là cần thiết”.

Nhiều phụ huynh cho rằng đôi khi dạy con vẫn phải dùng đến roi vọt

Chị Hương, một phụ huynh khác đồng quan điểm: “Không nghiêm để sau này chúng làm giặc à. Ngay gần nhà tôi có gia đình chiều con hết mức, con thích cái gì là mua cho bằng được, chả bao giờ dám mắng chửi hay đánh con. Giờ hai thằng nhà đấy, một thì nghiện, một thì đi tù vì tội trộm cắp”.

Chị Hương cho rằng nhiều năm trở lại đây trẻ con sướng quá, được nuông chiều hết mức nên khi lớn sinh hư. “Chả cần nói đâu xa, ngày xưa tình trạng thanh thiếu niên đánh thầy cô, bố mẹ hay vi phạm pháp luật ít hơn bây giờ rất nhiều. Xã hội càng phát triển, cuộc sống sung sướng hơn, chất lượng giáo dục cũng tốt hơn sao lại xảy ra như thế? Có phải chúng ta đã quá nuông chiều lớp trẻ không?”, chị Hương đặt câu hỏi.

“Người xưa đã dạy ‘thương cho roi cho vọt’, tôi nghĩ không hẳn không có lý do. Như một cây non, cần phải uốn nắn mới có thể trưởng thành, trẻ nhỏ cũng cần phải đưa vào nề nếp sớm” -  Anh Tiến, một ông bố khác tâm sự:

Trong những lúc bối rối, mất phương hướng về cách dạy con, tôi đã từng hỏi rất nhiều bạn bè quanh mình: có nên đánh con không? Bạn bè tôi cũng chín người mười ý. Người thì nói: “Mình cũng bị đánh suốt mà có sao đâu? Không đánh thì chắc giờ thành giang hồ rồi”. “Mình mà không bị mấy trận đòn hồi bé của bố thì chắc bây giờ không được như này. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng đánh, bạ đâu đánh đấy. Ngày xưa mình mà có lỗi, tất nhiên lỗi tương đối lớn một chút, là bố cầm cái roi to gọi vào phòng, đóng kín cửa, bắt nằm úp mặt xuống. Bố không bao giờ đánh đau nhưng sẽ nhớ mãi lỗi đấy để không tái phạm”.

Có người tự hào khoe: “Mình là minh chứng không bị đánh mà vẫn ngoan đây”, người khác khi được hỏi thì lặng người: “Cả tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, mình chỉ bị đánh duy nhất một lần. Đánh con xong, ba mình ngồi khóc, còn mình thì nhớ đến già và không bao giờ mắc lại sai lầm ngày ấy”.

Anh Tiến kể về trường hợp người bạn anh: “Tớ là đứa cứng đầu, biện pháp đánh không có tác dụng với tớ, vì càng đánh, tớ càng nổi khùng hơn và chả biết sợ là gì luôn”. Một người bạn nữ khác vốn rất hiền lành trả lời: “Mình ghét tất cả những ai đánh trẻ con”.

Qua một số hoàn cảnh trên, anh Tiến rút ra kết luận: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chuyện có nên đánh con hay không, còn tùy thuộc vào câu chuyện khi đó: con đã làm sai điều gì, có nặng nề không, thái độ của con khi ấy ra sao, có hối lỗi không, có thành khẩn không? Ngoài ra, còn phải xét cả tính nết đứa trẻ: có dễ bị tổn thương không, nó vốn là đứa trẻ ngoan hay hư hỏng, đòn roi có phải là phương án tốt nhất dành cho con - hay chúng ta nên thay bằng những lời khuyên nhủ? Cũng phải tính đến cả tính nết của cha mẹ: có kìm chế được cơn nóng giận hay không, có stress căng thẳng hay buồn bực, thậm chí là đang rất áp lực chuyện gì đó ngay khi con làm điều có lỗi. Nhiều khi, cha mẹ không phải là người hay dùng vũ lực, nhưng đôi lúc sự nóng nảy cộng với căng thẳng khiến cha mẹ “lỡ tay”. Cuộc sống vốn rất nhiều áp lực, nhiều lúc cha mẹ không thể kìm chế được sự nóng giận.

“Tôi tin chắc chắn có những bậc cha mẹ thành công khi dạy con bằng ‘kỷ luật không nước mắt’, tuy nhiên tôi cũng có niềm tin rằng: đòn roi đôi khi là cách tốt để dạy con. Tôi chỉ không cổ súy cho phương án dạy con bằng roi vọt một cách quá đà. Đứa trẻ nào dù ngoan hay hư, cũng chỉ là đứa trẻ với tâm hồn non nớt dại dột rất dễ tổn thương. Đòn roi vừa phải kèm theo lời dạy bảo, khuyến khích thì có ích cho đứa trẻ hơn là những lần ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’. Cha mẹ cần phải kìm chế, hạn chế tối đa vũ lực để không còn những đứa trẻ sớm bị thương tổn về tình cảm và cuộc sống đầy những trải nghiệm đau buồn về bạo lực. Đừng bao giờ đánh con đau, bởi vì đòn roi không phải cách hữu hiệu nhất để dạy con trẻ!”, anh Tiến chia sẻ.

>> Xin các chuyên gia, nhà báo đừng kéo lùi phong trào tân tiến của xã hội!

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang