Vụ Con Cưng: Khách hàng nguy cơ mất niềm tin?

author 15:36 28/07/2018

(VietQ.vn) - Sự việc Con Cưng bị tố "cắt nhãn mác, thay nhãn hiệu" khiến các bà mẹ bỉm sữa hoang mang, khách hàng có nguy cơ mất niềm tin vào các sản phẩm mà hệ thống này bày bán.

Khách hàng thân thiết của Con Cưng - chị Bùi Thu Trang (TP.HCM) cho biết, từ lúc có Con Cưng, hầu như vợ chồng chị đều chọn mua đồ ở hệ thống shop của thương hiệu này.

Chị Trang chia sẻ: "Mặc dù biết Con Cưng bán đắt hơn thị trường nhưng cái mình đặt ở đây là niềm tin. Da con nhỏ nhạy cảm nên mình thật sự mong muốn mua những sản phẩm có chất lượng và đảm bảo an toàn. Nhiều lúc hai vợ chồng đi siêu thị, tính mua dầu ăn và sữa tắm cho con nhưng chồng cứ bảo về Con Cưng mua. Khi vụ việc Con Cưng có dấu hiệu thay đổi nhãn mác của sản phẩm mình không khỏi hoang mang".

Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng chị Trang cho biết, hiện tại chị sẽ không mua thêm sản phẩm của Con Cưng nữa chờ đến khi có kết luận cuối cùng.

Khách hàng phản ánh trên Fanpage của Con Cưng. (Ảnh chụp Facebook)

Chị Nguyền Thị Hồng Hoa (Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ, nhà có hai đứa con, đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi. Từ lúc bầu bí tới giờ hơn 4 năm hai vợ chồng chị chỉ mua đồ cho con ở Con Cưng. 

"Từ tã lót, khăn tay, áo quần đến bỉm sữa, đồ chơi, đồ ăn dặm... nhà mình đều chọn mua cho con ở hệ thống siêu thị này dù giá không hề rẻ. Nếu so sánh giá với các siêu thị khác hay hàng ở tạp hóa, thì Con Cưng luôn đắt hơn hẳn, thậm chí có sản phẩm đắt hơn hàng chục nghìn nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vì tin rằng sản phẩm ở đây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo hơn so với mua ở chợ và các hàng tạp hóa".

Nhiều năm là khách hàng thân thiết của Con Cưng, khách hàng không hỏi hoang mang về các sản phẩm bị thay đổi nhãn mác của hệ thống bán hàng này. (Ảnh Con Cưng) 

Lúc đầu nghe khách hàng kiện cáo, báo chí phản ánh chị Hoa vẫn không tin. Tuy nhiên, trước thông tin cơ quan chức năng thu giữ hơn 5.000 sản phẩm của công ty này vì có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ thì vợ chồng chị không khỏi băn khoăn.

"Chúng tôi thật sự không biết nên tin và chọn sản phẩm ở đâu cho con khi thị trường hàng nhái, hàng giả tràn ngập như thế này", chị Hoa đặt câu hỏi.

Trên fanpage của Con Cưng, hàng trăm khách hàng cũng cho biết họ cảm thấy hoang mang, lo lắng. Nhiều câu hỏi về chất lượng sản phẩm của hệ thống này được các bà mẹ bỉm sữa liên tục đặt ra.

Trước đó, ngày 20/7, anh Trương Đình Vĩnh (39 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đã gửi phản ánh đến các cơ quan báo chí về việc sản phẩm quần áo trẻ em của Công ty Cổ phần Con Cưng bị cắt tem nhãn, gắn mác ngoại. Sau khi tiếp nhận phản ánh, Chi cục QLTT TP.HCM phối hợp cùng Cục QLTT đã thực hiện kiểm tra hàng hóa, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm tại nhiều cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM.

Báo cáo nhanh kết quả kiểm tra 3 cửa hàng bán sản phẩm của Cty CP Con Cưng trong 2 ngày 22 và 23/7 tại TP.HCM cho biết, lực lượng QLTT đã thu giữ hơn 5.000 sản phẩm của công ty này có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ với giá trị gần 500 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra thu và thu giữ hàng nghìn sản phẩm có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ. (Ảnh Zing.vn) 

Cụ thể, tại cửa hàng Con Cưng ở địa chỉ số 424 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5 (quận 3), lực lượng QLTT TP.HCM đã tạm giữ 1.600 sản phẩm gồm quần áo các loại, cài tóc, mắt kính... 

Tại cửa hàng ở địa chỉ số 78 Tôn Thất Tùng, phường Bến Thành (quận 1), QLTT đã tịch thu gần 1.840 sản phẩm. Cửa hàng này còn không gắn tên địa điểm kinh doanh tại cơ sở kinh doanh, đồng thời không xuất trình được xác nhận của Sở Công thương TP.HCM nhưng đã thực hiện thông báo chương trình khuyến mãi của công ty đối với các khuyến mãi (về quần áo trẻ em) đang thực hiện tại địa điểm kinh doanh.

Và tại cửa hàng ở số 20 ở địa 833 - 835 Hồng Bàng, phường 9 (quận 6), lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 244 sản phẩm quần áo trẻ em các loại hiệu CF, concung.com, laluna, lebe’, Starter’s trên nhãn ghi xuất xứ: made in Thailand, nhãn gốc hàng hóa bằng tiếng nước ngoài in trực tiếp lên sản phẩm (riêng hiệu concung.com không có nhãn gốc hàng hóa) và nhãn phụ tiếng Việt Nam không đính kèm sản phẩm hàng hóa mà treo trên móc treo sản phẩm. 

Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác là mỹ phẩm, quần áo trẻ em, mắt kính trẻ... cũng bị thu giữ vì nhãn mác không đúng quy định.

Ngọc Xen (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang