Đường nào giải cứu giá lợn 'rẻ như bèo' cho người nông dân?

author 19:49 10/04/2017

(VietQ.vn) - Cần thiết một cách thức hữu hiệu để giải cứu giá lợn siêu rẻ khiến người nông dân thua lỗ phải giảm đàn, không dám chăn nuôi như hiện nay.

Bizlive đưa tin, trong vòng 6 tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi liên tục xuống giá, kể cả thời điểm Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tăng cao, thịt lợn hơi vẫn chỉ ở mức xấp xỉ 40.000 đồng/kg khiến người nông dân thua lỗ. Tại nhiều địa phương có diện tích chăn nuôi lớn, người nông dân cho biết, họ chỉ dám cho lợn ăn 1 bữa/ngày vì nếu ăn 2 bữa là sẽ lỗ vốn.

Tuy nhiên, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng giá thịt lợn siêu rẻ khiến người nông dân thua lỗ phải giảm đàn, không dám chăn nuôi như hiện nay.

con-duong-nao-giai-cuu-gia-lon-re-nhu-beo-cho-nguoi-nong-dan

 Con đường nào giải cứu giá lợn 'rẻ như bèo' cho người nông dân?

Trả lời các ý kiến cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tìm cách hạ giá thức ăn chăn nuôi xuống để người dân bớt lỗ. Vì chỉ khi giá thức ăn chăn nuôi giảm thì người nông dân mới có lãi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Tống Xuân Chinh cho biết: "Trong bối cảnh giá thịt lợn chạm đáy, nếu giá thức ăn chăn nuôi giảm xuống thì sẽ giảm bớt khó khăn cho người nông dân. Tuy nhiên, về nguyên tắc, Bộ NN&PTNN không quản lý giá thức ăn chăn nuôi".

Đồng thời, nếu so sánh giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và các nước trong khu vực như Thái Lan hay Trung Quốc thì giá tại Việt Nam không hề cao hơn các quốc gia khác, do các nước này phải nhập một lượng lớn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài như: Ngô, đậu tương, các loại khô dầu,...

Mà ngược lại còn thấp hơn khoảng 8% đến 10% so với giá thức ăn chăn nuôi tại Thái Lan hay Trung Quốc, theo con số công bố chính thức của Cục Chăn nuôi.

Mặc dù vậy, ông Chinh cho rằng, Việt Nam vẫn đang gặp vấn đề về chuỗi cung ứng. Trong khi giá lợn hơi xuống thấp chỉ 30.000 đồng đến 40.000 đồng mà giá thịt bán cho người tiêu dùng tại các chợ vẫn ở mức cao.

"Điều này cho thấy, việc phân phối lợi ích trong chuỗi giá trị ở Việt Nam đang có vấn đề và nếu không kiểm soát được thì người sản xuất chính là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất", ông Chinh cho biết.

Theo Tri thức trực tuyến, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi dẫn thông tin, trước kia thịt lợn xuất sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch, chưa có con đường chính thức. Hiện tại, nước bạn đã siết chặt biên giới và cấm xuất tiểu ngạch. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực đàm phán với phía bạn để xúc tiến thương mại, tìm đường xuất khẩu chính ngạch dành cho sản phẩm thịt lợn.

Ông Tống Xuân Chinh cho biết vừa qua Bộ NT&PTNT đã cử một đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với Trung Quốc để xúc tiến thương mại, đưa một số sản phẩm nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch. Hai mặt hàng được Việt Nam ưu tiên hiện nay là thịt lợn và sữa.

Cục phó Cục Chăn nuôi hy vọng rằng trong một thời gian nữa, Trung Quốc sẽ chấp nhận thịt lợn của Việt Nam, mở ra cơ hội để giải quyết dư thừa trong nước, cũng như phát triển ngành chăn nuôi.

Một giải pháp tình thế mới cũng được lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết là Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố dừng xây dựng các nhà máy thức ăn chăn nuôi mới, qua đó phần nào giảm được lượng sản xuất thịt hiện nay.

Dũng Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang