Con đường ông Hồ Xuân Năng làm chủ 2 thương hiệu Vicostone và Phenikaa

author 16:40 20/04/2021

(VietQ.vn) - Vicostone trước đây trực thuộc Vinaconex, là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đá ốp lát cao cấp nhân tạo thạch anh theo công nghệ chuyển giao từ hãng Breton (Ý). Dù Phenikaa ra đời sau nhưng đã biết cách “thâu tóm” Vicostone thành công. Trong thương vụ này ông Hồ Xuân Năng là gạch nối quan trọng.

“Đòn” lợi hại của Phenikaa

Ông Hồ Xuân Năng (SN 1964) bước chân vào Vinaconex từ năm 1999 và là Thư ký Chủ tịch HĐQT. Sau đó đến năm 2004 được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex. Từ đó đến nay ông luôn gắn bó và trở thành ông chủ của thương hiệu sản xuất đá thạch anh cao cấp nổi tiếng Vicostone.

Phải nhắc lại rằng, nhà máy đá ốp lát cao cấp Vinaconex được thành lập năm 2002 - tiền thân của Công ty CP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex và nay là Công ty CP Vicostone. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á sản xuất đá ốp lát nhân tạo theo công nghệ Breton (Ý).

Khi mà Phenikaa chưa ra đời thì Vicostone đã là một tên tuổi lớn xác lập ở thế độc quyền trong lĩnh vực đá ốp nhân tạo cao cấp với doanh thu tăng trưởng hàng năm, bởi lợi thế nằm ở công nghệ chế tạo đá nhân tạo đến từ hãng Breton. Giai đoạn 2006 - 2011, lợi nhuận sau thuế của Vicostone tăng từ 5,6 tỷ đồng đến 122,87 tỷ đồng, nhưng mãi đến 2010 Phenikaa mới chập chững ra đời.

Tuy nhiên, sau khi Phenikaa ra đời cũng là giai đoạn Vicostone bất ổn, lợi nhuận sau thuế của Vicostone các năm 2012 và 2013 có dấu hiệu sụt giảm. Với Phenikaa - một doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn ban đầu có cái tên khai sinh là Công ty CP Cảnh Phúc chưa nhiều thông tin được đưa ra, sau đó đến năm 2013 mới đổi thành Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A. Thông tin về doanh nghiệp này còn khá lạ lẫm.

Tuy nhiên, tại buổi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Vicostone (ngày 5/8/2014) lúc đó ông Hồ Xuân Năng làm Chủ tịch HĐQT - Chủ tịch Đoàn chủ tịch có giới thiệu về Phenikaa và cho biết: Phenikaa được thành lập năm 2010, tháng 9/2013 Phenikaa quyết định đầu tư vào lĩnh vực đá ốp nhận tạo gốc thạch anh, doanh nghiệp này cũng phân phối sản phẩm tại các thị trường Mỹ, EU và Trung Đông như Vicostone, và trở thành đối thủ của Vicostone.

Đáng chú ý, trong sự trì trệ của Vicostone năm 2012, 2013 thì Phenikaa đã nhanh chân chiếm lấy đối tác chuyển giao công nghệ lâu năm của Vicostone. Cụ thể Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền mua thiết bị và chuyển giao công nghệ với chính Breton, trong thời hạn độc quyền lên đến 6 năm.

Việc Vicostone “đánh mất” đối tác chuyển giao công nghệ lâu năm lâu năm vào tay chính đối thủ Phenikaa một cách chóng vánh đã đẩy Vicostone vào thế phải tự nguyên đưa ra phương án hợp tác.

Chính ngay trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 này Đại hội đã thông qua việc Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty Vicostone từ các cổ đông Công ty CP Vicostone dẫn đến việc tỷ lệ sở hữu từ 51% đến 58% số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai và Phenikaa trở thành công ty mẹ của Công ty CP Vicostone.

Đến ngày 12/8/2014, Phenikaa chính thức hoàn tất việc gom thêm 29.381.921 cổ phiếu để tổng sở hữu 30.737.321 cổ phiếu nắm giữ 58% cổ phần đang lưu thông của Vicostone. Đánh dấu một trang mới của thương hiệu đá ốp cao cấp Vicostone trở thành công ty con của Tập đoàn tư nhân Phenikaa.

Con đường ông Hồ Xuân Năng làm chủ thương 02 hiệu Vicostone và Phenikaa

 Tập đoàn Phenikaa ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made in Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: phenikaa.com).

“Góc khuất” tại Công ty Cảnh Phúc

Thương vụ thâu tóm Vicostone của Phenikaa khá suôn sẻ bởi sự đồng thuận giữa các bên, xa hơn là “đòn” dành lấy công nghệ độc quyền từ hãng Breton (Ý). Trong khi đó dù ông Hồ Xuân Năng là người quản trị, nhiều năm kinh nghiệm và đi cùng với sự phát triển của Vicostone nhưng vẫn phải chịu để Phenikaa thâu tóm gọn gàng.

Tất nhiên cần phải tìm hiểu sâu xa nguồn gốc của Phenikaa mới đánh giá hết được thương vụ này. Như đã nói, Phenikaa thành lập vào năm 2010 và có cái tên khai sinh đầu tiên là Công ty CP Cảnh Phúc. Đáng nói rằng, Công ty Cảnh Phúc đăng ký đặt trụ sở chính tại chính tại số A33, phố Hoàng Ngân, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy cũng là nơi đăng ký thường trú của ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT Vicostone.

Ngoài ra, vợ của ông Hồ Xuân Năng là bà Phạm Thị Thu Hằng cũng là một trong những cổ đông góp vốn sáng lập lên Công ty CP Cảnh Phúc. Trong thành phần cổ đông sáng lập lên Công ty Cảnh Phúc còn có cặp vợ chồng ông Phạm Hùng và bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp.

Mối quan hệ giữa nhóm này khá gắn kết khi vào tháng 12/2010 cá nhân ông Phạm Hùng cùng Công ty Cảnh Phúc cũng góp vốn sáng lập Công ty CP đầu tư Tĩnh Phát. Doanh nghiệp này do vợ ông Hồ Xuân Năng là bà Phạm Thị Thu Hằng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

 Ông Hồ Xuân Năng được cho là linh hồn của Phenikaa. (Ảnh: phenikaa.com).

Ngoài ra, trong thương vụ thâu tóm Vicostone, ông Phạm Hùng cùng 02 người anh trai là Phạm Anh Đức và Phạm Đông đồng loạt gom tổng cộng 7.629.924 cổ phiếu tương đương 14,4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Vicostone đúng vào ngày các cổ đông ngoại chuyển nhượng cổ phiếu để ra đi (ngày giao dịch 11/6/2014). Nhưng sau đó chỉ 02 tháng (ngày 12/8/2014) ông Phạm Hùng cùng các anh trai đồng loạt chuyển nhượng hết số cổ phiếu đã gom được. Khá trùng hợp, cũng ngày 12/8/2014 Phenikaa hoàn tất việc giao dịch gom đủ số cổ phiếu đủ để trở thành công ty mẹ của Vicostone.

Tưởng chừng sau khi dành được đối tác công nghệ Breton và Vicostone “về chung một nhà” với Phenikaa đã kết thúc. Tuy nhiên, vào tháng 9/2014 cá nhân ông Hồ Xuân Năng đã mua lại 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của Phenikaa để trở thành Chủ tịch HĐQT Phenikaa.

Sau thương vụ này ông Hồ Xuân Năng đồng loạt giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của cả Vicostone lẫn Phenikaa, bởi trước đó sau khi nhóm cổ đông nước ngoài phải rút lui thì ông Hồ Xuân Năng đã kịp được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vicostone trở lại (tháng 6/2014).

Vậy, sâu chuỗi quá trình thâu tóm chuyển nhượng, gom cổ phiếu đẹp trong thương vụ Vicostone “về chung một nhà” với Phenikaa có thể thấy cần lưu ý đến “vệt gạch nối” giữa ông Hồ Xuân Năng và Công ty CP Cảnh Phúc. Và sẽ khó định hình việc ông Hồ Xuân Năng một người gắn bó với Vicostone từ khi thành lập, với nhiều năm kinh nghiệm lại để đối tác chuyển giao công nghệ Breton quan trọng có thể nói là xương sống trục hoạt động sản xuất kinh doanh của Vicostone “vào tay” Phenikaa chóng vánh như vậy. Vicostone từ doanh nghiệp nhà nước thuộc Vinaconex đã dần tư nhân hoá như ngày nay.

Loan Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang