'Con em của cán bộ công chức, quan chức dễ dàng tìm việc hơn!'

author 17:25 15/12/2014

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của Đại biểu Trần Ngọc Vinh xung quanh Nghị định 108/CP về chính sách tinh giản biên chế với 12 đối tượng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, trong đó nêu rõ đối tượng tinh giản biên chế nếu có dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước, hay dôi dư do cơ cấu lại công chức theo vị trí việc làm song không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác; những công chức chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn.

Mới đây, khi làm việc với ngành Nội vụ, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cần quyết liệt giảm biên chế, không thể để chuyện cứ nói giảm biên chế nhưng rút cục không giảm được.

Đánh giá về Nghị định này, trao đổi trên Đại đoàn kết, ông Lê Nam (Phó Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho rằng, nếu như chúng ta không có thay đổi thể chế gốc về công chức và bộ máy thì không có cách gì để giảm biên chế được.

Ông Nam chỉ rõ: “Với một bộ máy, cách quản lý điều hành như hiện nay, với số lượng công chức như vậy làm sao có thể giảm được khi hầu hết cán bộ đều được đánh giá là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công việc đều, khen thưởng cũng rất nhiều, vậy giảm làm sao? Trong khi đó các thước đo chuẩn mực lại không đánh giá đúng trình độ cán bộ. Toàn tiến sỹ, thạc sỹ thì giảm thế nào? Cho nên nếu không thay đổi căn cốt từ gốc của vấn đề thì chưa thể giảm được biên chế”.

Vị Phó Đoàn ĐBQH Thanh Hóa nhấn mạnh thêm, cái gốc của chúng ta hiện nay vẫn là về tổ chức thiết chế. Nhiều tổ chức quá cồng kềnh nên cần phải tổ chức lại bộ máy. Nếu không thì lấy tiêu chí nào để đánh giá chất lượng cán bộ mà loại ra để tinh giản biên chế? Phải có tiêu chí đánh giá một cách chính xác cán bộ.

“Bây giờ tất cả phải gò vào chế độ trách nhiệm. Việc đánh giá hiện nay đến năm đến tháng lại nâng lương, lại quy hoạch phát triển hoặc về hưu hạ cánh an toàn..., còn chất lượng bộ máy của mấy vẫn không có vấn đề gì cả. Vì thế tôi cho rằng, bây giờ yêu cầu của việc sử dụng nguồn nhân lực là phải rõ ràng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ là phải thay, hoặc cho nghỉ. Như vậy bắt buộc người đứng đầu phải đi tìm người tài, nghĩ ra cách để nâng cao chất lượng bộ máy gắn với hiệu quả hoạt động”, ông Nam nêu quan điểm.

Cũng nói về nội dung này, Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Thành ủy viên; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần phải sắp xếp lại bộ máy vì hiện tại quá cồng kềnh.

nghị định cắt giảm biên chế

 Đại biểu Trần Ngọc Vinh. Ảnh ĐVO

Trao đổi với PV Đất Việt, ông Vinh nhận định lí do vì sao biên chế nói giảm nhưng ngày càng phình to ra một phần do “con ông cháu cha”.

“Hiện nay đâu đó vẫn còn tình trạng con em của cán bộ công chức, quan chức dễ dàng tìm việc hơn so với những trường hợp khác. Và nói thật là cũng có trường hợp khó cắt bỏ dù có thể làm việc không hiệu quả”, ông Vinh nhận xét.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Vinh, nếu quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm biên chế là rất khó.

“Ở Trung ương người đứng đầu là Bộ Nội vụ. Như vậy trước hết là phải đề ra các chính sách yêu cầu tất cả các cấp, ngành thực hiện đúng và phải có tổng kết, sơ kết hàng năm xem kết quả thực hiện như thế nào. Con số này phải báo cáo công khai để các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi, cộng đồng giám sát thì mới có tác dụng.

“Nếu cứ để như thời gian vừa qua thì sẽ rất khó quy trách nhiệm. Và có lẽ mục tiêu giữ nguyên tổng biên chế như hiện nay cũng sẽ là khó khăn. Và tôi không tin là mục tiêu giữ nguyên tổng biên chế có thể đạt được, thậm chí bộ máy lại tiếp tục phình to”, Đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

H.Nguyên (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang