Cách chữa ho cho trẻ: làm gì khi trẻ ho dai dẳng?

author 09:54 29/10/2013

(VietQ.vn) - Rất nhiều trường hợp trẻ đã khỏi bệnh mà cơn ho thì vẫn dai dẳng không dứt khiến các bậc phụ huynh lo lắng, sốt ruột. Lúc này dùng kháng sinh không có tác dụng nữa mà còn gây hại cho trẻ.

Trong y học hiện đại, ho sau bệnh là được coi là một biểu hiện có lợi. Việc này giúp trẻ tống được hết đàm nhớt ra khỏi cơ thể, làm cho hệ hô hấp thông thoáng hơn. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp bác sĩ dặn người nhà bệnh nhân tuyệt đối không dùng thuốc ức chế ho cho trẻ sau khi trẻ xuất viện về nhà.

 

Cho trẻ bú mẹ là một cách chữa ho hiệu quả. (Ảnh minh hoạ)

Chị Huyền Thanh (Trương Định, Hà Nội) có một bé trai 1 tuổi. Một năm trước bé đã phải nhập viện do viêm phổi cấp tính. Sau khi điều trị khỏi, được xuất viện, bé vẫn ho nhiều. Mang con trở lại bênh viện, sau khi nghe phổi không có vấn đề, kiểm tra mũi họng bình thường, chị được bác sỹ điều trị cho con là bác sĩ Yến (Khoa Hô hấp – viện Nhi Trung ương) giải thích như trên. Bác sỹ còn hướng dẫn chị các cách để giảm cơn ho cho con, hỗ trợ con đẩy đàm ra khỏi cơ thể, mà bản thân chị tự thấy là “rất hiệu quả”.

Có một số giải pháp đơn giản nhưng lại có hiệu quả rất lớn thường được các bác sỹ hướng dẫn các bà mẹ thực hiện sau khi con được điều trị tích cực bệnh như sau:

1. Giữ môi trường bé ở sạch sẽ, thoáng khí. Trong thời tiết hanh khô như lúc giao mùa thu đông nên dùng máy tạo độ ẩm để giảm bụi trong không khí, làm bé thoải mái hơn. Mẹ có thể dùng các loại tinh dầu như tinh dầu tràm, thảo dược xoa lên ngực bé và bật máy tạo độ ẩm qua đêm sẽ cho kết quả khả quan.

2. Tăng cường cho trẻ bú mẹ nếu bé còn đang tuổi bú. Sữa mẹ ấm và là chất lỏng tự nhiên, có thể làm dịu họng đồng thời tăng cường chất lỏng vào cơ thể để trẻ dễ dàng đẩy các vi khuẩn theo đàm ra hơn.

3. Rửa mũi họng, vỗ lưng cho trẻ. Đây là bước điều trị có thể được coi là quan trọng số 1 với đa số các trẻ bị các bệnh về hô hấp. Nó cũng có tác dụng quan trọng trong giai đoạn trị ho long đàm sau bệnh của trẻ. Bố mẹ giữ bé ngồi thẳng hoặc nằm nghiêng trên đùi, khum bàn tay lại vỗ vào lưng con trước và sau khi rửa mũi họng. Không thao tác vỗ khi trẻ đang cơn ho.

4. Giữ cho đầu bé cao hơn. Kê thêm gối để phẩn trên của bé cao hơn. Tư thế này nhằm giúp bé có thể thở dễ hơn. Với các bé nhỏ dưới một tuổi thì gối nên đặt ở dưới đệm để nâng cao cả vùng đầu.

5. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả. Việc uống nhiều nước giúp trẻ dịu họng và giảm ho. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc cho trẻ uống nhiều nước có hiệu quả làm loãng đàm tương đương với việc sử dụng thuốc long đàm, lại an toàn, không làm trẻ sợ hãi, phản ứng. Tránh cho trẻ đang ho dùng nước cam vì có thể gây sưng vùng họng nếu trẻ có tổn thương do ho.

6. Xoa chân, đi tất cho trẻ. Buổi tối trước khi cho trẻ đi ngủ, bố mẹ dùng dầu ấm xoa vào lòng bàn chân, sau đó dùng cùi tay xoa mạnh nhiều vòng quanh vùng huyệt dũng tuyền ở lòng bàn chân rồi đi tất vào cho trẻ. Đây là một bài trong Đông y, được đánh giá là có hiệu quả kỳ diệu. Thường chỉ ba đến năm đêm là trẻ giảm rồi dứt hẳn ho, có những trường hợp có công dụng ngay đêm đầu tiên.

7. Sử dụng các bài thuốc dân gian như lá hẹ mật ong, húng chanh hấp đường phèn....

Đây là các giải pháp đơn giản, ai cũng có thể làm cho con. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên nhớ nguyên tắc cơ bản để hạn chế việc con bị ho là ấm, thoáng, sạch sẽ cả cơ thể và môi trường xung quanh con. Việc trị ho cho con phải từ từ giảm dần rồi mới hết hẳn, vì thế bố mẹ không nên quá sốt ruột lạm dụng các loại thuốc ức chế ho và kháng sinh, vừa không trị tận gốc cơn ho, lại có thể gây hại cho con.

T.H

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang