Con người sẽ có thể ‘chạm' vào Mặt trời vào năm 2018?

author 18:22 01/06/2017

(VietQ.vn) - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), vào năm 2018 sẽ đưa một tàu thăm dò tới gần Mặt trời. Đây là sứ mệnh đầu tiên của con người bay tới Mặt trời.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Theo NBC, vào khoảng 22h Hà Nội tức vào 11h giờ miền đông Mỹ ngày 31/5 NASA đã thông báo về nhiệm vụ cho tàu bay vào khí quyển của Mặt trời tại Trung tâm Nghiên cứu William Eckhardt của Đại học Chicago.

Tàu thăm dò không người lái Parker Solar, được đặt tên theo nhà thiên văn vật lý Mặt trời Eugene Parker, sẽ đi đến phần ngoài cùng của khí quyển Mặt trời. NASA sẽ sử dụng thông tin mà họ khai thác từ nhiệm vụ để dự báo tốt hơn thời tiết không gian, yếu tố ảnh hưởng đến vệ tinh, phi hành gia và Trái đất.

 Con người sẽ bắt đầu khám phá Mặt Trời vào năm 2018. Ảnh minh họa

 Con người sẽ bắt đầu khám phá Mặt trời vào năm 2018. Ảnh: VnExpress/NBC 

Theo thông tin từ NASA, tàu thăm dò được phát triển bởi Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins. Nó dự kiến được phóng trên tên lửa Delta IV Heavy vào tháng 7 hoặc tháng 8/2018 và sau đó trải qua 7 năm đi sâu vào quỹ đạo xung quanh Mặt trời. Để làm điều này, tàu sẽ 7 lần bay qua sao Kim và cuối cùng vào phạm vi 5,9 triệu km xung quanh Mặt trời. Khoảng cách này gần Mặt trời hơn gấp 8 lần so với bất kỳ tàu vũ trụ nào khác trước đó.

Dự kiến phi thuyền sẽ được trang bị lá chắn carbon phức hợp dày 11,5 cm, giúp nó chịu nhiệt độ tới 1.400 độ C trên hành trình. Tàu thăm dò sẽ di chuyển với tốc độ hơn 690.000 km/h (tương đương với việc đi từ New York đến Tokyo trong vòng chưa đầy một phút).

Một chuyên gia của NASA thông tin thêm, đây là sứ mệnh đầu tiên của con người bay tới Mặt trời. Chúng ta không thể tới được bề mặt của Mặt trời, nhưng tàu vũ trụ sẽ tiếp cận đủ gần để trả lời ba câu hỏi quan trọng.

Thứ nhất, sứ mệnh này giúp giải thích lý do khiến bề mặt của Mặt trời không nóng như bầu khí quyển của nó, hay còn gọi là vành nhật hoa. Bề mặt Mặt trời có nhiệt độ khoảng 5.500 độ C, trong khi đó, bầu khí quyển phía trên nóng tới 2 triệu độ C.

Thứ hai, các nhà khoa học muốn tìm câu trả lời về cách thức tăng tốc của gió Mặt trời. "Mặt trời thổi luồng hạt mang điện tích theo tất cả các hướng với vận tốc 1,6 triệu km/h. Nhưng chúng tôi không hiểu làm thế nào mà nó tăng tốc", chuyên gia trên cho biết.

Thứ ba, sứ mệnh tàu Solar Probe Plus giúp xác định nguyên nhân khiến Mặt trời thỉnh thoảng phát ra các hạt năng lượng cao, có thể gây nguy hiểm cho phi hành gia và tàu vũ trụ không được bảo vệ.

Tàu vũ trụ bay ở khoảng cách 6 triệu km so với Mặt trời gặp khá nhiều thách thức, trong đó chủ yếu là nhiệt độ quá cao. Để xử lý vấn đề này, các nhà khoa học NASA thiết kế một lá chắn bằng vật liệu composite trên nền sợi carbon dày 11,4 cm. Nó có khả năng chịu được nhiệt độ bên ngoài tàu vũ trụ khoảng 1.370 độ C.

Theo NASA, đây là sứ mệnh đầu tiên của con người bay tới Mặt Trời. Ảnh minh họa

Theo NASA, đây là sứ mệnh đầu tiên của con người bay tới Mặt trời. Ảnh minh họa

Ngoài ra, tàu vũ trụ được trang bị các ống tản nhiệt đặc biệt có khả năng giải phóng lượng nhiệt hấp thụ qua vỏ chắn của tàu vào không gian, nhằm bảo vệ thiết bị điện tử bên trong không bị hư hại.

Để thành công, con tàu phải chịu đựng được một nhiệt độ nóng khủng khiếp, lên tới 1377 độ C. Vậy nên, NASA dự tính vỏ tàu phải dày trên 11cm, bằng hợp chất từ carbon.

NASA cũng cho biết đây là một nhiệm vụ cần thiết. Chỉ khi hiểu được những gì đang xảy ra trên Mặt trời, khoa học mới có thể dự đoán chính xác "thời tiết" trong vũ trụ ảnh hưởng thế nào đến Trái đất. Với nhiệm vụ lần này, khả năng dự đoán sự ảnh hưởng của bão Mặt trời sẽ chính xác hơn.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang