Còn nhiều rào cản doanh nghiệp khoa học công nghệ

author 14:02 15/08/2014

(VietQ.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có thể nói những mắt xích cuối cùng trong chuỗi hoạt động khoa học và công nghệ đi từ ý tưởng khoa học đến nghiên cứu...

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp tại Quyết định số 592 về Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Quyết định 2075 về Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến 2020, với nhiều quan điểm và cách tiếp cận mới có tính đột phá chiến lược, như xây dựng ba sàn giao dịch công nghệ quốc gia ở ba thành phố lớn, kết nối hệ thống các tổ chức dịch vụ và các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế; xây dựng các khu ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị và nhiều ưu đãi khác cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Còn nhiều rào cản doanh nghiệp khoa học công nghệ

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang mong sớm được tháo nút thắt để phát triển. Ảnh minh họa

Với những nỗ lực đó bước đầu những cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển mô hình doanh nghiệp “kiểu mới,” doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, nhất là những nhà khoa học có tinh thần doanh nhân, các nhà khoa học trẻ, sinh viên, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân và cả những nhà sáng tạo “chân đất” với niềm tin và ước mơ khởi nghiệp bằng những ý tưởng, sáng tạo.

Ước tính đến nay mới chỉ công nhận được khoảng trên 100 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong tổng số trên 200 hồ sơ xin đề nghị cấp trên phạm vi toàn quốc. Số lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được công nhận có phân bố không đồng đều, quy mô nhỏ là chủ yếu, các doanh nghiệp làm ăn tốt chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực giống nông nghiệp, chế biến dược liệu.

Số các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử phần mềm, công nghệ sinh học và một số lĩnh vực công nghệ cao khác hầu như chưa đăng ký hoặc chưa được công nhận.

Nguyên nhân được các chuyên gia nêu ra cụ thể là việc triển khai thực hiện Nghị định 80/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua cho thấy trên thực tế mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ mà nghị định của Chính phủ đã đề cập đến thường bị tách làm hai kiểu mô hình hoạt động.

Mô hình thứ nhất là doanh nghiệp được khởi nghiệp bởi chính các nhà khoa học từ trong các viện trường (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia quản lý điều hành). Ở mô hình có việc sử dụng các kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, có thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nghĩa là có thu nhâp đầu vào.

Với mô hình này thì yếu tố thuế thu nhập doanh nghiệp chưa xuất hiện, nếu có thì chỉ là thuế thu nhập cá nhân, do vậy chính sách ưu đãi về thuế chưa có tác động cụ thể. Đồng thời quy chế quản lý nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện hành cũng gây khó cho các doanh nghiệp loại này, do quy mô là siêu nhỏ, số lượng nhân lực rất ít nên không thể tổ chức thực hiện như quy định. Bên cạnh đó nhu cầu sử dụng đất cho hoạt động cũng chưa thực sự nhiều do vậy chính sách ưu đ ãi về đất sản xuất kinh doanh cũng chưa thực sự tạo sức hút lớn.

Mô hình thứ hai là doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã đưa được một phần, hay toàn bộ kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào các sản phẩm sản xuất và có thu nhập có lãi ở đầu ra.

Nhưng một thực tế là ở Việt Nam hiện đang triển khai khá nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Do những quy định và cách hiểu khác nhau về việc hưởng ưu đãi thuế nên việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ gặp khó khăn, ví dụ trường hợp Công ty dược phẩm A do hiện đang hưởng thuế suất ưu đãi thu hút về khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương , nên tại thời điểm được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ thì việc đề nghị áp dụng ưu đãi thuế không được cơ quan thuế chấp nhận, do thời hạn hưởng chính sách ưu đãi thuế đã có chưa kết thúc đối với doanh nghiệp đó, nếu muốn hưởng thì chỉ có cách là đổi tên doanh nghiệp, thay đổi thương hiệu của công ty.

Việc giao kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ của các tổ chức công lập (viện, trường) có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, được cho là một trong những giải pháp để hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Song vấn đề về mối quan hệ giữa doanh nghiệp được hình thành và nơi đã sản sinh ra kết quả đó sẽ như thế nào? Có cạnh tranh và mẫu thuẫn lợi ích hay không khi bản thân các tổ chức khoa học và công nghệ công lập này cũng phải thực hiện quá trình tự chủ theo Nghị định 115/NĐ-CP, trong đó hoạt động sản xuất kinh doanh từ các kết quả nghiên cứu cũng là một trong cá phần việc và mục tiêu h ướng tới của chính các đơn vị này.

Việc không sử dụng được nguồn lực từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp nhà nước để tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong thời gian qua, do các quy định ngặt nghèo về sử dụng quỹ phát triển khoa học trong doanh nghiệp nhà nước, cũng đã làm khó hoạt động phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp, hạn chế yếu tố sáng tạo của doanh nghiệp bằng các nghiên cứu, làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm mới.

Để gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần có giải pháp cho phát triển nhanh và bền vững. Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần phải được đặt trong tổng thể mô hình phát triển doanh nghiệp của cả nước. Vai trò, vị trí của doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở từng ngành, lĩnh vực, vùng và từng địa phương phải gắn bó chặt chẽ với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế.

Về “số lượng” cũng quan trọng, nhưng điều thực sự quan trọng là “chất lượng,” phải làm cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.

Nên chăng cần thay đổi cách tiếp cận về xây dựng chính sách ưu đãi đất đai. Để thực hiện được mục tiêu này ngành khoa học và công nghệ cần quy hoạch và tăng nhanh số lượng các khu ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước và đổi mới cơ chế đầu tư và quản lý, ví dụ có thể triển khai các khu ươm tạo theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để tăng cường nguồn lực đóng góp từ xã hội, với sự tham gia của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư mạo hiểm cho một số ngành và lĩnh vực mới có nhiều triển vọng.

Thu Phương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang