‘Cơn sốt ảo’ đất nền ở TP.HCM: Chuyên gia kinh tế nói gì?

authorĐỗ Thu Thoan 21:07 19/05/2017

(VietQ.vn) - Trong những tháng gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM đang rộ lên với những thông tin "sốt" đất nền ở nhiều quận, huyện vùng ven gây xôn xao trong giới nhà đất.

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, báo Pháp luật TP.HCM (PLO) cho hay, câu chuyện sốt đất vùng ven đang được nhận diện quá lớn so với những gì đang diễn ra. Và vấn đề này dường như đang được giới báo chí làm cho nó lớn hơn so với thực tế.

Theo ông Hiển, đúng là có 1 số vị trí đất nền, cò đất đã dùng thủ thuật để đẩy giá nhưng việc đó không đủ sức khiến thị trường xảy ra nguy cơ bong bóng BĐS. Bên cạnh đó, ông nhận định “giá đất nền tăng mạnh trong thời gian qua sau khi thị trường BĐS đã phục hồi là chuyện dễ hiểu”.

con-sot-ao-dat-nen-o-tphcm-chuyen-gia-kinh-te-noi-gi

Tại TP.HCM đang diễn ra 'cơn sốt giá ảo' đất nền ở các quận ven và một số huyện. Ảnh: Dân trí

Cũng theo PLO, tính từ năm 2010 đến nay, có những khu vực BĐS tăng tự nhiên là do đất nền đã bị nén rất nhiều năm, có những khu vực vị trí tốt, hạ tầng ngày càng hoàn thiện… thì giá tăng 200-300% cũng là điều bình thường. Bởi trước đó, giá đất được định giá ở mức thấp và trong một thời gian dài, giá đất ở những khu vực đó không tăng. Còn những khu vực khác tăng trưởng 60-70%, mức lợi nhuận này cũng chỉ nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng chút xíu.

Ở góc độ khác, ông Hiển cho rằng việc tăng giá nhanh tại 1 vài khu vực như vậy chưa đủ sức để gây ra bong bóng, thậm chí lại tốt đối với thị trường BĐS. Bởi những người có nhu cầu mua nhà để ở sẽ không mua được đất nền vì giá quá cao sẽ quay sang mua căn hộ. Trong khi đó, lượng căn hộ tung ra thị trường 2016-2017 lên tới 50.000 căn. Mà căn hộ mới chuẩn của nhà ở, và nó đáp ứng từ người mua nhà ở phân khúc bình dân, trung cấp hay cao cấp.

Trước đó, theo thông tin từ Dân trí, tại TPHCM đang diễn ra "cơn sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như: Quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.

Đối tượng là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014; hoặc đất thổ vườn trong khu dân cư nông thôn ở các quận huyện ven ngoại thành; thậm chí có cả trường hợp đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy tay trái pháp luật.

Trong vòng 1 năm qua, giá đất nền đã tăng trên dưới 30%, cá biệt có khu vực giá tăng đến trên dưới 70%. Giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp, và là bên thủ lợi nhiều nhất trong cơn "sốt giá ảo" đất nền hiện nay.

Tình hình cơn sốt giá đất nền không chỉ diễn ra tại các quận ven và huyện ngoại thành TPHCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng, Nha Trang...

"Cơn "sốt giá ảo" đất nền này rất nguy hiểm, đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ "bong bóng" gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường BĐS và để bảo vệ người tiêu dùng", Dân trí dẫn lời nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Sốt đất lan rộng, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề nghị công bố kết quả xét duyệt các dự án (VietQ.vn) - Cơn "sốt giá ảo" đất nền đã và đang tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản đề cập một loạt những vấn đề cấp bách của ngành với Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo các chuyên gia, Zing cho rằng trong lần tăng bất thường này của đất nền, việc tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư cá nhân là có cơ sở diễn ra, nhưng tác động mạnh đến nền kinh tế và tạo ra bong bóng BĐS là khó, vì tín dụng được kiểm soát chặt.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, việc rót vốn vào lĩnh vực BĐS của các ngân hàng thương mại rất thận trọng. Cơ chế chính sách tín dụng của ngành ngân hàng đã và đang góp phần hạn chế rủi ro, hạn chế tình trạng bong bóng xảy ra như những năm trước đây.

Từ tháng 4/2012, NHNN đã loại bỏ BĐS ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất và dỡ bỏ mức khống chế, cho vay trở lại bình thường. Sau quyết định này, thị trường thực sự khởi sắc và ấm dần lên từ năm 2013 tới nay.

“Hậu quả của nợ xấu BĐS từ năm 2007-2010 đã để lại nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng. Việc rót vốn cho BĐS hiện nay hết sức thận trọng để tránh bong bóng xảy ra”, chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang