Con tôm, con cá hay Formosa, bài toán sẽ làm 'đau đầu' nhà chức trách

author 18:35 27/04/2016

(VietQ.vn) - Câu nói của đại diện Công ty Formosa: “Không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá con tôm” khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Dù chưa có kết luận chính thức về việc cá chết hàng loạt ở miền Trung có phải do nước xả thải của Formosa hay không, nhưng câu nói của đại diện Công ty Formosa - ông Chu Xuân Phàm buộc chúng ta phải nghiêm túc đánh giá lại tác động của phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

đại diện formosa ông chu xuân phàm

Ông Chu Xuân Phàm, đại diện Công ty Formosa: Chọn cá tôm hay chọn ngành thép hiện đại?

Ông Phàm nói: “Nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm. Đương nhiên mình cố gắng làm một nhà máy đạt được tiêu chuẩn quy định của nhà nước. Có khi được cái này thì phải mất cái kia chứ.

Cũng như việc vùng đất này lấy làm nhà máy thì không thể trồng lúa gì được. Hai cái này mình phải lựa chọn một, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay tôi muốn xây dựng một ngành thép hiện đại? Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này”.

Để cải thiện cuộc sống nghèo đói cứ dai dẳng bám mãi người dân, Đảng và Nhà nước ta đã có quyết định hoàn toàn đúng đắn là phải đổi mới, bắt đầu từ năm 1986. Qua 30 năm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đồng thời hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong lúc chúng ta hoan hỉ với những thành tựu kinh tế đạt được thì một vấn đề khác đang rất nhức nhối hiện ra là môi trường bị hủy hại nghiêm trọng.

Để phát triển kinh tế, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài là một kênh sống còn của đất nước. Nhằm thu hút được nhiều dự án, chúng ta phải tạo điều kiện thông thoáng về chính sách, đất đai, con người cho các nhà đầu tư. Cũng từ sự "phải thông thoáng" đó mà nhiều lúc có phần buông lỏng quản lý đến vấn đề môi trường xung quanh những công trình có vốn đầu tư nước ngoài và kể cả các công ty vốn trong nước.

Vụ Công ty Vedan “bức tử” sông Thị Vải hay gần đây là chuyện của Công ty Formosa là những minh chứng chân thật nhất.

Câu nói “nếu xả thải thì đương nhiên sẽ thay đổi sinh học ở đây, ở vùng biển quanh đây. Nhưng bây giờ mà nói tôi không thể xây dựng nhà máy thép ở đây mà không ảnh hưởng đến con cá, con tôm” của ông Chu Xuân Phàm là lời cảnh báo và cũng là thách thức lớn của Việt Nam lúc này. 

Rõ ràng, ý của ông Phàm là các anh phải lựa chọn một trong hai, giữa con tôm, con cá hay một ngành thép hiện đại. Không thể có chuyện vừa được tôm cá đuề huề lại vừa có một nhà máy thép hiện đại được.

Vậy làm thế nào để có môi trường lành mạnh, vừa có tôm, có cá cho người dân đánh bắt, lại vừa có những nhà máy hiện đại là bài toán cấp thiết đặt ra cho Việt Nam.

Hãy nhìn sang láng giềng Trung Quốc. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã phải chịu sự ô nhiễm không khí nặng nề từ việc phát triển quá nóng. Không chỉ riêng Bắc Kinh và các thành phố lớn tập trung đông các khu công nghiệp, nhà máy, tình trạng ô nhiễm còn lan tràn rất nhanh sang các thành phố khác rải rác trên đất nước đông dân nhất thế giới này.

ô nhiễm nặng ở Trung Quốc

Người đàn ông cố gắng vớt hàng nghìn con cá chết do nguồn nước tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ô nhiễm nặng nề. Nguồn Zing

Theo kết luận của cơ quan chức năng, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở Trung Quốc là hậu quả của chính sách phát triển kinh tế mấy thập niên qua. Chính quyền Bắc Kinh chỉ chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng, mà không quan tâm khía cạnh môi trường, đặc biệt chính sách phát triển tràn lan ngành nhiệt điện than, nguồn phát thải chủ yếu khí độc hại CO2.

Để khắc phục, Trung Quốc phải triển khai mạnh ngành công nghiệp điện hạt nhân hùng hậu, đang xây dựng một loạt các nhà máy điện hạt nhân trên khắp đất nước.

Với con đường đi mới, Trung Quốc đang hy vọng sớm thoát ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bầu không khí cao nhất trên thế giới.

Việt Nam tuy không có tốc độ tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, ô nhiễm chưa nặng nề như Trung Quốc nhưng với chính sách phát triển như hiện nay thì khả năng đi vào vết xe đổ của nước láng giềng là khó tránh khỏi. 

>> Hãy bình tĩnh, cá chết hàng loạt chưa chắc đã phải do Formosa

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang