Con trai của nhà khoa học nữ đạt giải Kovalevskaia chia sẻ niềm tự hào về mẹ

author 17:34 08/03/2016

(VietQ.vn) - Con trai của PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà - người vừa vinh dự nhận giải thưởng cao quý Kovalevskaia 2015 - đã chia sẻ nhiều điều thú vị về người mẹ của mình.

Trong giây phút xúc động khi chứng kiến người mẹ kính yêu của mình vinh dự nhận giải thưởng cao quý Kovalevskaia 2015, anh Trần Văn Minh (SN 1991) - con trai út của nhà khoa học nữ Đặng Thị Cẩm Hà (nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã 'bật mí' nhiều điều thú vị về mẹ anh trong cuộc sống hàng ngày.

cam-ha

 Người mẹ kính yêu của anh Trần Văn Minh - nhà khoa học nữ Đặng Thị Cẩm Hà

Đầu tiên, Chất lượng Việt Nam online xin gửi lời chúc mừng PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và toàn thể gia đình. Thưa anh, là con trai của 1 nhà khoa học nữ xuất sắc nhận giải thưởng danh giá Kovalevskaia, anh có cảm xúc như thế nào?

Tôi vô cùng vui mừng và ngưỡng mộ bà. Từ nhỏ, bà đã là tấm gương sáng cho tôi và anh Bình (người con trai cả của bà Cẩm Hà, sinh năm 1978 - PV) noi theo trong sự nghiệp và cuộc sống. Đây cũng là một phần lí do vì sao 2 anh em chúng tôi đều không theo nghiệp bà bởi đã làm thì phải làm đến cùng nhưng để làm đến cùng được như bà thì quá khó.

Theo cảm nhận của anh, hình ảnh nhà khoa học Cẩm Hà trong cuộc sống thường ngày là người phụ nữ như thế nào?

Trong cuộc sống gia đình, bà là người mẹ mẫu mực, yêu thương chồng con hết lòng nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Đậm chất nhà khoa học, bà quả quyết và nguyên tắc trong mọi việc. Bà luôn đặt ra mục tiêu, nguyên tắc rõ ràng và đặc biệt là luôn đưa ra những tiêu chuẩn cao nhất cho chúng tôi. Đơn giản như chuyện nấu ăn, dù chúng tôi đều là con trai nhưng bà luôn yêu cầu các món ăn phải đúng quy trình và đúng khẩu vị.

Cuộc sống của một gia đình có mẹ là nhà khoa học, có gì đặc biệt?

Mẹ tôi vừa đi làm, vừa nghiên cứu khoa học và chăm sóc gia đình. Để vẹn toàn mọi thứ, bà vô cùng bận rộn và vất vả. Và cũng chính vì người phụ nữ duy nhất trong gia đình bận rộn như vậy đã vô tình tôi luyện ba bố con nấu ăn như những người đầu bếp. Ba bố con đều nấu ăn rất ngon. Điều này được rất nhiều người khẳng định. Thật lòng nếu không làm truyền hình thì chắc chắn tôi sẽ làm đầu bếp. Như bạn biết đấy, nếu không biết nấu ăn thì chúng tôi sẽ chết đói (cười). Để làm nghiên cứu có đợt bà phải công tác xa nhà đến 2, 3 tháng. Đi ngoại tỉnh và nước ngoài là chuyện thường nhật của mẹ Cẩm Hà.  Ngày 8/3 này, bà cũng phải bay sang Mỹ để tiếp tục công việc, không được chung vui cùng gia đình.

Câu chuyện nào khiến anh cảm động và ấn tượng nhất về người mẹ của mình?

40 năm nghiên cứu bà có 160 công trình, bà tâm đắc nhất là sáng chế công nghệ xử lý dioxin, làm sống lại những vùng đất chết. Năm 1998, hạ quyết tâm làm đề tài này, bà đã phải đi công tác lấy mẫu đất ròng 3 tháng tại Đà Nẵng và Biên Hòa. Hàng ngày, dù trời nắng hay mưa, giông bão, bà và đồng nghiệp vẫn phải làm việc. Đó là chưa kể đến những vùng đất độc hại và nguy hiểm ấy vẫn còn bom mìn sót lại từ thời chiến tranh. Nếu trước kia chúng ta nói lao vào bom đạn để chiến đấu thì bà lao vào bom đạn để nghiên cứu. Thời gian ấy là thời gian không thể quên của chúng tôi bởi ai cũng căng thẳng, nơm nớp lo lắng cho người phụ nữ duy nhất trong gia đình.

Khi đó, không chỉ hoàn cảnh nguy hiểm, khắc nghiệt mà bà còn ít được bạn bè, đồng nghiệp ủng hộ. Bởi không ai tin rằng nó sẽ thành công, thậm chí cả bạn bè quốc tế cũng nói như vậy vì trên thế giới có chưa có công nghệ nào xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, bà vẫn quyết tâm, ngày đó bà đã nói rằng “Hãy cho tôi 10 năm để hoàn thành nó” rồi âm thầm làm. Và sau 9 năm, bà đã làm được!

Sau chuyện này, tôi rất cảm động và cảm phục bà , tôi đã học được ở bà tính không ngại khó, không ngại thử thách!

Trân trọng cảm ơn anh về những lời chia sẻ trên!

Tâm Thanh


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang