Công an được bắn người chống đối: Đi ngược quyền con người?

author 11:09 11/03/2013

(VietQ.vn) - Quyền sống là quyền cơ bản của con người được quy định tại Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người; Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và trong nhiều điều ước quốc tế khác về quyền con người. Theo các văn kiện này: Mọi người đều có quyền sống. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ.

Quy định còn tù mù

Trao đổi với phóng viên Dân trí về Dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ mà Bộ Công an vừa đưa ra, ông Vũ Đức Khiển nêu vấn đề, thực tế từ nhiều năm qua cho thấy, ngày càng nhiều những trường hợp phạm tội, nhất là tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, thường hung hãn, thực hiện chống đối người thi hành công vụ đến cùng, quyết liệt, bất kể mạng sống nhằm quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội hoặc để tẩu thoát. Với những đối tượng như vậy, pháp luật không thể nhân nhượng. Ngành công an áp dụng biện pháp mạnh như được bắn trực tiếp để ngăn chặn hậu quả là việc làm cần thiết và đáng được ủng hộ.

"Tuy nhiên, quy định cụ thể như thế nào thì phải thật chặt chẽ", ông Vũ Đức Khiển nêu ý kiến.

PV: Ông đang lo ngại tới khả năng lạm dụng ngay với những người thi hành công vụ?
 
Đúng. Một số điểm đưa ra trong dự thảo nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn một số điểm tù mù, có thể khiến nhiều người lo ngại về khả năng lạm dụng, càng khiến xã hội thêm bất an. “Quy định được bắn” mà như thế thì chưa ổn.
Vụ án cầu Chương Dương xảy ra vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20 là ví dụ điển hình cho việc sử dụng súng trong trường hợp không cần thiết gây tác hại lớn như thế nào.
 
Bộ Công an cho rằng, lý do cần thiết phải ban hành nghị định trên là do chưa có quy định đầy đủ, đồng bộ về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Nhưng trên thực tế, đã có Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012?
 
 
Bộ luật Hình sự cũng đã nói và Pháp lệnh 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định rõ ràng về chuyện này. Có hai trường hợp được bắn vào đối tượng vi phạm, thứ nhất là khi đối tượng đang sử dụng vũ khí, vũ lực đe dọa trực tiếp tới tính mạng người thi
 
hành công vụ, người khác hay dùng vũ khí xâm phạm công trình quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia, cướp vũ khí của người thi hành công vụ...
 
Thứ hai là bắn vào phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa khi phương tiện đó bị đối tượng sử dụng để đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người dân, người thi hành công vụ, đối tượng phạm tội dùng để bỏ trốn... Mọi trường hợp đều phải lưu ý chắc chắn không chở khách hoặc con tin.
 
Qua đó thấy rõ, người thi hành công vụ chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc giải cứu tính mạng, xử lý tình huống ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
 
Điều cần làm lúc này là cụ thể hóa, thật rõ ràng chi tiết trong từng hoàn cảnh cụ thể để tránh lạm dụng, góp phần hiệu quả và giữ gìn trật tự trị an.
 
Dự thảo nghị định quy định, trường hợp có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
 
Quy định tù mù như thế này thì dứt khoát không được. Khái niệm “dấu hiệu” quá rộng. Trong trường hợp giữa người thi hành công vụ và chống người thi hành công vụ, ai xác định dấu hiệu đó cho anh? Người thi hành công vụ bảo có “dấu hiệu” là hoàn toàn mang ý chú quan. Tôi lo ngại chuyện lạm dụng trong trường hợp này.
 
Luật pháp quy định là phải rất cụ thể. Nếu quy định theo kiểu “xét thấy cần thiết” hoặc “có dấu hiệu” là rất tù mù và người có quyền dễ lạm dụng. Phải nói rõ, “xét thấy cần thiết” thì cần thiết trong trường hợp nào, quy định rõ ra. Tương tự “dấu hiệu” là như thế nào, phải nói rõ ra.
 
Quy định tại điều 18 của dự thảo cũng cho rằng cùng về một hành vi của người chống đối thì cán bộ thi hành công vụ được đưa ra 3 cách ứng xử gồm: sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật và nổ súng trực tiếp mà không có phân biệt rạch ròi là dễ gây ra sự lạm dụng đối với người thi hành công vụ. Ông có đồng tình với nhận định này không?
 
Lo ngại này là có cơ sở. Cho phép lực lượng chức năng sử dụng súng trấn áp, ngăn chặn hành vi phạm tội nghiêm trọng là cần thiết nhưng phải xem xét, cân nhắc thật thận trọng. Sử dụng một cách rộng rãi là dứt khoát không được.
 
Ví dụ trong trường hợp lâm tặc chống người thi hành công vụ một cách quyết liệt, bất kể mạng sống kiểm lâm thì phải nổ súng. Hoặc đối tượng buôn lậu trên sông, khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng tàu, thuyền để kiểm tra mà quyết lao vào người thi hành công vụ thì phải nổ súng trấn áp.
 
Nhưng giờ trên đường phố, một người vi phạm giao thông thì phải đặc biệt cân nhắc, cứ chống người thi hành công vụ mà nổ súng là không được. Ví dụ như đối tượng không chấp hành dừng đèn xanh đèn đỏ, bỏ chạy thì nổ súng cũng là việc không cần thiết.
 
Nếu cảnh sát ra hiệu lệnh, người vi phạm không chấp hành, còn dùng hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, súng để tấn công lại, thì việc nổ súng là cần thiết.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ý kiến luật sư: Người ủng hộ, người không!
 
Luật sư Phạm Hải Bình (Đoàn luật sư Hà Nội): Tôi ủng hộ việc lực lượng chức năng như cảnh sát, biên phòng, kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển... được quyền nổ súng trực tiếp trong các trường hợp bị xâm phạm tính mạng khi thực thi công vụ.
 
Tuy nhiên, quy định “nổ súng trực tiếp” như trong dự thảo nghị định có một số điểm chưa cụ thể khiến nhiều người lo ngại về sự lạm dụng. Nhiều người cùng suy nghĩ như tôi, cũng là điều dễ hiểu. Bộ Công an cần nghiên cứu thêm, đưa ra định nghĩa rõ ràng và giới hạn rành mạch, quy định thật chi tiết khi áp dụng biện pháp này.
 
“Nổ súng trực tiếp” thì chúng ta hiểu là “xử” ngay tại hiện trường, mà đã “xử” ngay tại hiện trường thì quy định càng chi tiết càng ràng buộc trách nhiệm tốt hơn.
 
"Không ai có quyền tước sinh mạng người khác"
 
- Báo người đưa tin dẫn thông tin:Không ai có quyền tước đi sinh mạng người khác. Việc nổ súng trực tiếp vào một người có thể ngay tức khắc sẽ giết chết người đó. Trong khi, dù phạm tội dã man, dù giết chết nhiều người thì người phạm có hành vi phạm tội vẫn phải trải qua quá trình điều tra, tuy tố xét xử trước khi bị buộc tội và thi hành án. Việc cho phép cán bộ có quyền nổ súng trực tiếp vào một người khi thấy người đó có dấu hiệu hoặc có căn cứ để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng chẳng khác nào hành vi kết án tử hình mà không qua các xét xử.
 
Đề xuất này của Bộ công an cũng nằm ngoài  và đi ngược với các trường hợp được phép nổ súng quy định tại Điều 22,  Pháp lệnh quản lý vũ khí và vật liệu nổ. Khác với pháp lệnh cho phép chỉ được nổ súng khi “những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”, đề xuất của Bộ công an cho phép cán bộ được nổ sung ngay khả khi thấy có “dấu hiệu”… Điều này có thể dẫn đến việc nổ súng cảm tính, không chính xác.
 
Việc nổ súng tước đoạt tính mạng của người khác theo đề xuất của Bộ công an vô hình chung đã “thả lỏng” cho những hành động đáp trả có thể vượt quá giới hạn cho phép và 'không tương xứng'.  Tính mạng của một con người chắc chắn không thể xem nhẹ, không thể chỉ vì một hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng mà có thể tước đoạt ngay tức khắc bằng việc nổ súng.
 
Dù là vì bất cứ lý do gì, dù là lấy lý do tình trạng chống người thi hành công vụ thời gian qua diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ. Thì cũng không thể trao thêm cho cán bộ quyền nổ súng như đề xuất mới của Bộ công an. Có như vậy việc ghi nhận quyền sống của con người trong dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 mới có giá trị, có ý nghĩa thiết thực.
 
Quyền sống là quyền cơ bản của con người được quy định tại Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người; Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và trong nhiều điều ước quốc tế khác về quyền con người. Theo các văn kiện này: Mọi người đều có quyền sống. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ - Luật gia Giang Quyết
 
PV(t/h)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang