Công bố hoá chất Phenol trong cá nục ở Quảng Trị: Liệu có quá vội vàng?

author 11:45 12/06/2016

(VietQ.vn) - Ngày 10/6 đồng loạt báo chí đưa tin cơ quan chức năng phát hiện lô cá lục 30 tấn ở Quảng Trị có chứa chất Phanol cực độc có thể gây chết người.

 Thông tin về 30 tấn cá nục ở Quảng Trị nhiễm chất phanol cực động gây hoang mang cho người tiêu dùng

Phenol độc hại như thế nào?

Theo các chuyên gia, hoá chất Phenol rất độc, nó tác dụng toàn diện lên cơ thể con người từ trí não đến hệ miễn dịch và rất khó đào thải.

Trả lời báo chí, PGS Trần Hồng Côn – Giảng viên khoa hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết Phenol là hoá chất độc không được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Phenol cũng là tên riêng của hợp chất cấu tạo bởi nhóm phenyl liên kết với nhóm hiđroxyl, chất tiêu biểu cho các phenol.

PGS Côn cho biết, phenol là một họ chất hoá học có phenol đơn vòng và phenol đa vòng. Nếu trong cá kiểm nghiệm có chất phenol đơn vòng thì tác dụng nguy hiểm ít hơn phenol đa vòng. Phenol đa vòng rất nguy hiểm cho sức khoẻ của con người.

Theo PGS Côn, phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ cụ thể trong ngành công nghiệp phenol là nguyên liệu để điều chế nhựa phenol formaldehyde. Từ phenol người ta tổng hợp ra tơ polyamide.

Trong nông nghiệp, phenol điều chế được chất diệt cỏ dại và kích thích tố thực vật 2,4 - D (là muối natri của axit 2,4 điclophenoxiaxetic). Phenol cũng là nguyên liệu để điều chế một số phẩm nhuộm, thuốc nổ (axit picric).

Do có tính diệt khuẩn nên phenol được dùng để trực tiếp làm chất sát trùng, tẩy uế, hoặc để điều chế các chất diệt nấm mốc (ortho - và para - nitrophenol…)

Các nhà khoa học đã chứng minh phenol có thể gây ra tổn thương cấu trúc não bộ. Tăng động, tăng hung hãn, suy giảm khả năng học tập; Dậy thì sớm, kích thích sự phát triển tuyến vú, rối loạn chu kỳ sinh sản, bất thường buồng trứng, vô sinh.

Kích thích những tế bào ung thư tiền liệt tuyến. Tăng kích thước tiền liệt tuyến, giảm sản xuất tinh trùng. Biến đổi chức năng miễn dịch và đái đường loại 2, béo phì.

Phenol đi vào trong cơ thể người chủ yếu thông qua ăn uống, bao gồm có ăn và uống thực phẩm, nước bị ô nhiễm chất này. Vấn đề là phenol cực kỳ dễ hòa tan vào trong các loại thực phẩm, và một khi đã vào được cơ thể thì sẽ rất khó để đẩy ra ngoài.

Cá chết ở miền Trung: Người tiêu dùng lạnh nhạt với hải sản(VietQ.vn) - Lo ngại mua phải cá chết nhiễm độc, nhiều người dân ở Hà Nội không lựa chọn hải sản trong thực đơn của gia đình.

Thực hư "cá Quảng Trị nhiễm chất Phenol cực độc”

Sau khi thông tin "cá Quảng Trị nhiễm chất Phenol cực độc” được đăng tải, ngay lập tức được dư luận trong nước chú ý đặc biệt bởi câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang rất nóng trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo một chuyên gia nghiên cứu về môi trường, thì thông tin này có rất nhiều điểm “cần phải xem xét cẩn trọng hơn”.

Xét dưới góc độ khoa học, không thể dễ dàng kết luận một chất hóa học nào đó “độc hại và nguy hiểm với sức khỏe con người” chỉ dựa vào tên gọi. Để đánh giá “độc hại” hay không phải căn cứ vào hàm lượng chất đó trong thực phẩm và liều lượng tiêu thụ, thời gian tích tụ trong cơ thể…

Website y học nội bộ của cộng đồng sinh viên đại học ngành y dược, bác sỹ và dược sỹ có bài viết “Ngộ độc Phenol, Cresyl và dẫn chất” trong đó cho biết: “Phenol và các dẫn chất như cresyl (acid cresylic) là những chất rất thông dụng trong công nghiệp (hoá hữu cơ, chất dẻo, hoá dược) và dễ tẩy uế, sát khuẩn (dung dịch 1%). Ngộ độc cấp xẩy ra do uống dung dịch đậm đặc với mục đích tự tử hoặc do uống nhầm. Liều nguy hiểm: từ 2 - 5gam. Liều gây chết: trên 10gam”.

Như vậy, nếu lấy chỉ số gây nguy hiểm nhỏ nhất là 2gam chất Phenol và liên hệ với thông tin mà Sở Y tế tỉnh Quảng Trị công bố là ““30 tấn cá nục có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg” thì một người cần phải tiêu hóa 54.000 kg (54 tấn) cá nục trong thời gian ngắn mới có thể tích tụ đủ hàm lượng độc chất gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Đây là một con số không tưởng và gần như không thể xảy ra.

Thứ hai, Phenol có thể xuất hiện trong cá đông lạnh từ nhiều nguồn: Trong chất bảo quản cá; Là sản phẩm phân hủy của cá (ví dụ: do cấp đông muộn hoặc khi đang rã đông); Do môi trường bị ô nhiễm

Theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10-MT: 2015/BTNMT) do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thì tổng hàm lượng Phenol trong nước biển được phép là 0,03mg/lít. Như vậy, với cá nục sống ở môi trường nước biển thì chuyện kết quả xét nghiệm Phenol là 0,037mg/kg không quá xa với điều kiện tự nhiên và nó hoàn toàn có thể xảy ra nếu mẫu xét nghiệm đang trong quá trình phân hủy do đưa vào đông lạnh (cấp đông) muộn hoặc đang trong quá trình rã đông.

Điều đáng nói hơn nữa là con người vẫn đang tiêu hóa Phenol hàng ngày thông qua hàng loạt loại thực phẩm khác nhau. Một số tài liệu y khoa đã khẳng định “Phenol được tìm thấy trong rất nhiều loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như trái cây, rau, các loại hạt và cũng có thể là hợp chất nhân tạo để sử dụng trong các ứng dụng phi thực phẩm thông dụng như kem đánh răng, thuốc nhuộm tóc, thuốc chữa bệnh và chất khử trùng. Vì vậy, hầu như không thể loại bỏ hoàn toàn Phenol khỏi chế độ ăn uống của bạn”.

Trong tình hình hiện tượng cá chết ở miền Trung vẫn đang đợi các nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu để đưa ra kết luận cuối cùng, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong việc xét nghiệm thực phẩm cũng như việc cung cấp thông tin tới công chúng. Việc đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng kỹ lưỡng về khoa học và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm có thể gây ra hoang mang cho người tiêu dùng và gây tổn thất lớn về kinh tế cho bà con ngư dân miền Trung.

Hiện Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế chưa có ý kiến chính thức về thông tin "cá Quảng Trị nhiễm chất Phenol cực độc” này.

Ngày 10.6, báo chí trong nước đưa tin, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo cho UBND tỉnh Quảng Trị kết quả kiểm nghiệm các lô cá tại kho đông lạnh của bà L.T.T (trú TT.Cửa Tùng, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị)… Ngành chức năng đã tiến hành lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của bà T., gồm: 1 mẫu cá ngừ, 1 mẫu cá trích, 1 mẫu cá sòng và 3 mẫu cá nục (1 mẫu đại diện cho 20 tấn thu mua trước thời điểm sự cố cá chết bất thường (khoảng giữa tháng 4), 1 mẫu đại diện cho 20 tấn thu mua sau thời điểm sự cố cá chết 10 ngày và 1 mẫu đại diện cho 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm cá chết).

Kết quả phân tích kiểm nghiệm cho thấy 5/6 mẫu các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg là chất cực độc, tuyệt đối cấm, không được phép có trong thực phẩm.
Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả đạt yêu cầu và tiêu hủy 30 tấn cá nục có chứa chất cực độc”.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang