Công chức phải nhập ngũ: Không nên khiến người dân hoang mang!

author 07:23 28/08/2014

Mọi công dân đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng nhà nước “không nên làm ồ ạt khiến người dân hoang mang”.

Trên đây là ý kiến của Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm – nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (ảnh) khi trao đổi với PV Infonet về Dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự mới của Bộ Quốc phòng.

Vị Chuẩn đô đốc cho biết: “Đứng về Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS), tất cả mọi công dân không phân biệt giàu, nghèo, trí thức, giai cấp… mà đã trong độ tuổi từ 18 – 35 thì đều có nghĩa vụ tham gia. Do đó tôi ủng hộ việc nhập ngũ dù đó là cán bộ công chức, viên chức hay sinh viên. Tuy nhiên phải căn cứ vào tình hình thực tế để giải quyết, không nên làm một cách ồ ạt khiến người dân hoang mang"

Để làm được điều này ông Lê Kế Lâm cho rằng, Bộ quốc phòng không nên kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thành 24 tháng mà hãy giữ nguyên như hiện tại là 18 tháng.

“Khi thời gian phục vụ quá dài thì những công chức quay trở về sẽ gặp không ít bỡ ngỡ, bên cạnh đó việc bố trí công tác cho những người này cũng gặp khó khăn. Do vậy phải suy nghĩ rất toàn diện để Luật NVQS phù hợp với nhân dân, với xã hội, với kết cấu của kinh tế, khoa học công nghệ, và cả với kết cấu của nền quốc phòng trong giai đoạn mới” – ông Lê Kế Lâm nói.

Một vấn đề khác được ông Lâm đề cập là thái độ của xã hội với vấn đề nhập ngũ. “Hiện tại mọi người vẫn coi việc nhập ngũ là “bị đi”, do đó chúng ta phải làm sao để họ thấy được rằng trúng tuyển NVQS là một vinh dự, là đang tham gia vào một hành động vinh quang để bảo vệ Tổ quốc”.

Lý giải cho quan điểm giữ nguyên thời gian phụ vục 18 tháng, vị Chuẩn đô đốc cho rằng, với thời bình thì “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, Việt Nam không phải là một nước có quân số đông nên cần chú trọng đến chất lượng. Thêm vào đó, nếu kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ thêm 6 tháng thì số người tham gia sẽ bị ít đi.

Theo ông, để phù hợp với 18 tháng tại ngũ thì vấn đề chính là phải thay đổi cách huấn luyện tân binh. Thế hệ thanh niên hiện nay ngày càng được nâng cao về trình độ văn hóa nên khả năng tiếp thu chắc chắn phải nhanh hơn, do vậy cần đẩy nhanh cường độ học tập, huấn luyện.

“Trang bị của các quân binh chủng trong quân đội ngày càng hiện đại nên phải có một chương trình phù hợp, khoa học. Tôi cho rằng khi huấn luyện tân binhnên giảm thời gian tập đội ngũ, chiến thuật cơ bản… Chúng ta nên giữ thời gian ở 18 tháng nhưng vẫn phải đảm bảo được yêu cầu chiến đấu”. – ông Lâm nêu quan điểm.

Ông Lâm cũng cho rằng để đáp ứng được yêu cầu tinh nhuệ thì quân đội cần tăng cường tổ chức xét, thi tuyển trong số lượng nghĩa vụ 18 tháng. Từ đây sẽ lựa chọn ra những người tiêu biểu, có nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội để đào tạo thành các sĩ quan hoặc chuyên viên kỹ thuật.

“Không nên kéo dài 24 tháng mà giữ nguyên, nhưng phải suy nghĩ một cách thật khoa học, thấu đáo để vừa đáp ứng được yêu cầu của quân đội ngày càng hiện đại, vừa đáp ứng được trình độ thanh niên ngày càng cao và để luân phiên được nhiều người. Đây cũng là một cách để công chức, viên chức, sinh viên bớt e ngại khi nhập ngũ” – vị Chuẩn đô đốc kết luận.

“Hải quân có rất nhiều binh chủng, đây là lực lượng vũ trang đặc thù tương tự không quân với môi trường hoạt động tác chiến khác trên bộ. Do đó khi tuyển lực lượng hải quân, ngoài các tiêu chuẩn chung của một chiến sĩ quân đội thì còn phải có những yêu cầu riêng cho từng binh chủng. Ví dụ với lính tàu ngầm thì phải có những yêu cầu riêng về thể chất, tinh thần, ý chí. Lính tàu chiến mặt nước thì yêu cầu tối thiểu phải không say sóng, đôi khi là không được… cao to quá, bởi khi đó chui cửa sổ mạn, leo cầu thang lên xuống, đi hầm này qua hầm khác sẽ khó khăn" – Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ.

 

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang