Công cụ tăng năng suất của người nông dân đam mê sáng tạo

author 17:23 04/02/2015

(VietQ.vn) - Trực tiếp trải nghiệm thực tế lao động sản xuất nên những người nông dân luôn thấu hiểu những khó khăn làm giảm năng suất lao động. Từ đó, họ luôn không ngừng tìm tòi phát minh ra những công cụ, máy móc giúp tăng năng suất và giảm bớt sức lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Máy hút đa năng

Từ thực tế lao động sản xuất, ông Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1959, ở tổ 10, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để sáng chế ra những công cụ, máy móc giúp tăng năng suất lao động và giảm bớt sức lao động. Với sáng chế “máy hút đa năng”, ông đã được Hội Nông dân tỉnh tặng giải thưởng nông dân sáng tạo, theo thông tin từ báo Thái Nguyên. 

Máy hút đa năng của ông Hợi có thể hút được những chất cặn bã trong bể chứa phân, bùn ao... đã giúp ông thuận lợi trong việc chăm bón cho cây trồng và giảm công lao động. Không những vậy, sáng chế này còn giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình ông bằng việc bán sản phẩm. Mỗi chiếc máy hút đa năng được làm ra, ông Hợi bán với giá trên 2 triệu đồng. 

Chiếc máy hút đa năng giúp ông Hợi cải thiện năng suất lao động trong quá trình chăn nuôi

Chiếc máy hút đa năng giúp ông Hợi cải thiện năng suất lao động trong quá trình chăn nuôi. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Ông Hợi chia sẻ về quá trình sáng chế máy hút đa năng của mình: “Là người nông dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp, trong quá trình chăn nuôi, khâu xử lý chất thải được tôi chú trọng bằng việc xây bể chứa phân và hầm biogas. Các bể chứa phân được một thời gian thì đầy, công việc dọn bể rất vất vả. Thời gian đầu tôi dùng máy bơm nước để hút, tuy nhiên chỉ được phần nước và cặn bã, rác thường kẹt vào cánh quạt nên không hút được. Với một chút hiểu biết về sửa chữa điện tử, điện dân dụng, tôi đã mày mò, nghiên cứu chế tạo ra máy hút đa năng.

Máy được dựa trên nguyên lý hoạt động của máy bơm nước, chế tạo ra trục xoay nối dài và con sên để đĩa công tác tiếp xúc với vật chất cần hút. Tôi mua những vỏ mô tơ phế liệu về vệ sinh sạch, sau đó quấn lại để mô tơ hoạt động tốt. Loại mô tơ được dùng thường từ 0,75 kw trở lên, tùy vào mục đích sử dụng. Còn trục bơm làm từ thép hợp kim được nối dài bằng một đoạn trục nối với bánh công tác. Đây là công đoạn quan trọng nhất, bởi trục bơm phải đảm bảo thẳng, khỏe để truyền chuyển động từ động cơ đến bánh công tác được tốt…”.

Máy xới cỏ

Anh Phan Ngọc Tấn (55 tuổi), trú ở tổ dân phố 3, phường Trần Hưng Ðạo, TP Kon Tum (Kon Tum) đã chế tạo thành công máy xới cỏ từ chiếc máy nổ của xe mô-tô đã cũ và một số sắt thép có sẵn trên thị trường. Sáng chế của anh được bà con nông dân trong vùng tìm đến đặt mua.

Kể về thành công đầu của mình, anh Tấn cho biết, tháng 8-2011, gia đình anh đang làm trang trại ở khu vực lòng hồ Thủy điện Ya Ly với gần 25 ha đất trồng mía và ba ha đất trồng sắn. Do diện tích canh tác nhiều, lực lượng lao động của gia đình quá ít nên phải thường xuyên đi tìm kiếm người làm. Từ những ngày vất vả đi tìm lao động làm cỏ mía, anh tự hỏi: "Tại sao mình không chế tạo một cái máy xới cỏ để giảm bớt công lao động và chi phí cho gia đình?" Nghĩ là làm, anh Tấn bắt tay vào việc thiết kế bản vẽ và sáng chế máy xới cỏ...

Chiếc máy xời cỏ tự chế giúp a Tấn giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động

Chiếc máy xời cỏ tự chế giúp a Tấn giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ðể có được chiếc máy xới cỏ, anh Tấn nghiên cứu khá kỹ lưỡng và thiết kế bản vẽ khá chi tiết và chuyển đến cho thợ cơ khí ở thành phố Kon Tum sản xuất. Chi tiết của máy gồm: một động cơ mô-tô trị giá một triệu đồng (loại động cơ được lấy từ những chiếc xe máy hư hỏng đã thanh lý); một số nguyên vật liệu là thép lá, thép ống có sẵn trên thị trường; một số phụ kiện trong hệ thống điện; hệ thống bánh răng, dây xích... cộng thêm 2,5 triệu đồng tiền công trả cho thợ cơ khí, anh Tấn đã có được một chiếc máy xới cỏ hoàn chỉnh, với tổng trị giá 3,5 triệu đồng, báo Nhân Dân đưa tin. 

Nói về năng suất của chiếc máy xới cỏ do mình sáng chế, anh Tấn cho biết: Mỗi ngày động cơ hoạt động tiêu thụ khoảng bốn lít xăng, trị giá khoảng 100 nghìn đồng. Cùng với đó là hai người thay nhau điều khiển; tiền công để trả cho hai người này là 240 nghìn đồng. Tất cả các chi phí chỉ khoảng 400 nghìn đồng, nhưng diện tích cỏ xới được gần 10 nghìn m2. Trong khi cũng diện tích ấy, nếu thuê nhân công lao động sẽ cần từ 16 đến 18 người/ngày; mỗi ngày công lao động hiện tại trên thị trường phải trả từ 150 đến 160 nghìn đồng và tổng chi phí sẽ từ 2,5 đến ba triệu đồng; lớn hơn gấp sáu lần so với sử dụng chiếc máy xới cỏ do anh chế tạo.

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang