Cộng điểm thi cho Bà mẹ Anh hùng : Nhân văn hay cạn nghĩ?

author 10:54 11/07/2013

(VietQ.vn) - Cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi đi thi là câu chuyện đâu phải chỉ cho hôm nay. Một Quy định nhân văn và phù hợp pháp luật nhưng lại bị "soi".

Số lượng ít nhưng tính nhân văn nhiều

Giáo dục là lĩnh vực không phải lúc nào cũng có những vụ “động trời” như Đồi Ngô năm 2012. Cũng không phải ngày nào cũng có nhiều sự thay đổi, giống như cháy nhà, sập cầu, tai nạn giao thông…như mảng thời sự của các báo. Thế nên, cứ có điều gì "là lạ" là ngay lập tức được đưa ra bàn luận, dù chưa hiểu vì sao người ta phải làm thế.

Việc cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi đi thi đang ầm ĩ trên nhiều website là một ví dụ.

Bộ GD&ĐT cho biết, họ làm điều đó vì cụ thể hóa Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù biết rằng đối tượng bổ sung có thể rất ít…

Nhưng Bộ GD&ĐT chưa nói thêm rằng, quy định này đâu chỉ tính cho hôm nay, với những bà mẹ đã ở con dốc bên kia của cuộc đời. Những quy định áp dụng cho toàn xã hội còn phải tính cho tương lai, với nhiều biến số luôn thay đổi nhưng tính nhân văn thì không đổi thay mà càng sâu đậm hơn trong các quyết sách.

Hôm nay, các đối tượng được tuyển thẳng có thể chỉ có ít người phù hợp. Nhưng sau nhiều năm nữa, với những biến động về chính trị - xã hội, các phóng viên đã viết lời nhạo báng, có dám khẳng định, những đối tượng có công với đất nước, đều là những người già không muốn đi học nữa không?

Góp ý với cái tâm

Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn cho biết, tuyển sinh năm nay có những điểm mới là tăng ưu tiên cho các đối tượng khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; thay đổi lịch thi để tránh cho thí sinh phải làm bài 6 tiếng/ngày…

Những độc giả tinh ý có thể thấy trên tivi, trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, rất nhiều phóng viên đã “bám đuôi” Bộ GD&ĐT đi “lướt sóng” qua các trường. Nếu chỉ cần họ cũng ngồi cùng phụ huynh bên ngoài cổng trường, trò chuyện cùng các ông bố - bà mẹ, ăn cùng bữa cơm trưa với thí sinh và đặc biệt là trải qua bữa trưa vật vã bên góc đường, ghế đá công viên…thì sẽ hiểu, việc làm cả 2 môn thi Toán và Văn cùng ngày sẽ khiến nhiều em kiệt sức.

Thế nên, việc thay đổi thứ tự môn thi là một quyết định nhân văn, nhiều ý nghĩa. Vậy mà chả thấy nhiều báo đài bình luận.

Tất nhiên, ngành Giáo dục hôm nay chắc chắn còn nhiều điều đáng bàn, cùng chung tay đổi mới. Như hôm qua, Chất lượng Việt Nam đã phản ánh và góp ý việc một số ngành có nhiều khối thi, cần phải quy định số lượng tuyển mỗi ngành cụ thể là bao nhiêu, để tránh tiêu cực. Ngay lúc đó, Vụ trưởng Bùi Anh Tuấn đã nói, sẽ tiếp thu ý kiến của báo để điều chỉnh phù hợp.

Góp ý với cái tâm muốn xã hội tốt hơn, với những dẫn chứng và lập luận sắc sảo, nhân văn…là cái mà độc giả ngày càng đặt yêu cầu lên các tờ báo hôm nay.

Phương Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang