Công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

author 06:36 21/07/2019

(VietQ.vn) - UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU của Thành ủy về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội giao Sở Công Thương chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao tại kế hoạch, làm đầu mối theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Tổng hợp báo cáo gửi Bộ Công thương UBND thành phố theo quy định. Phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lồng ghép với tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cá nhân và tổ chức thuộc UBND thành phố theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Triển khai chương trình Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội theo kế hoạch được phê duyệt. Chủ động thực hiện, đề xuất các cấp có thẩm quyền khen thưởng và có các giải pháp khuyến khích, động viên đối với các cá nhân tổ chức thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đẩy mạnh triển khai thực thi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Cạnh tranh để góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

Tổng kết đánh giá việc thực hiện trên địa bàn thành phố để tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung luật phù hợp yêu cầu quản lý và hội nhập trong tình hình mới. Tăng cường trao đổi thông tin, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà Việt Nam đã tham gia.

Công an Thành phố chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp quận, huyện, thị xã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra nắm chắc tình hình các lĩnh vực, địa bàn, địa điểm, đối tượng kinh doanh để đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời triệt phá tận gốc các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.

Ảnh minh họa 

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Rà soát kiện toàn cán bộ và phân công công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn, trong đó, xác định rõ vai trò đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tham mưu đề xuất cấp quyền hoàn thiện hệ thống, cơ chế quản lý đáp ứng yêu cầu và điều kiện thực tiễn. Thực hiện việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định. Công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng…

Liên quan tới vấn đề nêu trên theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thực tế cho thấy, người tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, nhưng lại chịu nhiều thiệt thòi do hành vi kinh doanh không lành mạnh, trái pháp luật. Vì vậy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng trở nên cấp thiết.

Theo ông, cách đây 36 năm, Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 15/3 hàng năm là “Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới,” còn tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua.

Gần đây, ngày 22/1/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Có thể nói, kinh doanh và tiêu dùng là mối quan hệ tương hỗ, tức là ‘tương sinh’ nếu kinh doanh lành mạnh và ‘tương khắc’ nếu kinh doanh không lành mạnh. Do vậy, để tiêu dùng bền vững không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau, điều này cần thiết phải xây dựng mối quan hệ trên theo hướng lành mạnh, bền vững", Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhấn mạnh.

Theo ông Lê Quang Lân, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), việc doanh nghiệp cam kết vì người tiêu dùng không đơn thuần là một khẩu hiệu, mà hơn hết đó là thương hiệu mà với bất cứ doanh nghiệp “có tâm, có tầm” nào cũng luôn nỗ lực xây dựng. Hơn thế nữa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính là sự nuôi dưỡng đạo đức, phẩm giá và uy tín của mỗi doanh nghiệp.

Bảo Lâm

Hà Nội: Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay chống rác thải nhựa (VietQ.vn) - Hà Nội nâng cao nhận thức người tiêu dùng chung tay chống rác thải nhựa, triển khai DN thực hiện lộ trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang