Công khai đề tài khoa học trên báo chí

author 14:23 04/03/2014

(VietQ.vn) - Tuyển chọn, giao trực tiếp đề tài, dự án khoa học phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trừ các nhiệm vụ thuộc bí mật quốc gia và đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng...

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Thông tư “Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước”.

Theo đó, Tuyển chọn, giao trực tiếp phải bảo đảm công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trừ các nhiệm vụ thuộc bí mật quốc gia và đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng.

Công khai đề tài nghiên cứu khoa học trên báo chí

Công khai đề tài nghiên cứu khoa học trên báo chí

Tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án được thực hiện thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ (gọi tắt là hội đồng) do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng các Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ  Quốc gia quyết định thành lập.

Danh mục các đề tài, dự án, điều kiện, thủ tục tham gia tuyển chọn được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cá nhân chủ nhiệm đề tài, dự án được đánh giá nghiệm thu ở mức “không đạt” mà không được Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ chủ trì chương trình khoa học công nghệ Quốc gia gia hạn thời gian thực hiện để hoàn chỉnh kết quả hoặc được gia hạn nhưng đến thời hạn cho phép vẫn chưa hoàn thành kết quả không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong vòng ba (03) năm kể từ thời điểm có kết luận của hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia; cá nhân chủ nhiệm đề tài, dự án các cấp có sai phạm dẫn đến bị đình chỉ thực hiện hoặc truy cứu hình sự sẽ vĩnh viễn không được tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp.

Đối với tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước sau khi kết thúc mà không triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, đời sống theo hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và yêu cầu của bên đặt hàng, bị xử lý theo quy định của pháp luật không được đăng ký tham gia đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp trong thời gian ba (03) năm.

Thành phần hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài, dự án có từ 09 đến 11 thành viên, gồm chủ tịch, phó chủ tịch, hai (02) uỷ viên phản biện và các ủy viên, trong đó:

Có 6 đến 8 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn phù hợp với đề tài, dự án được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Có 3 thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức đặt hàng, cơ quan tổ chức đề xuất đặt hàng, nhà quản lý, nhà kinh doanh có năng lực và chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn;

Hội đồng chịu trách nhiệm về ý kiến tư vấn của mình.

Hội đồng phải đánh giá một cách trung thực, khách quan và công bằng; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả đánh giá của mình và trách nhiệm tập thể về kết luận chung của hội đồng. Các thành viên hội đồng, chuyên gia (nếu có) và thư ký hành chính hội đồng có trách nhiệm giữ bí mật về các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá hồ sơ tuyển chọn, giao trực tiếp.

Nghiên cứu, phân tích từng nội dung và thông tin đã kê khai trong hồ sơ; nhận xét đánh giá mặt mạnh, mặt yếu và đánh giá chung từng hồ sơ theo các yêu cầu đã quy định; viết nhận xét - đánh giá và luận giải cho việc đánh giá; cho điểm theo các tiêu chí tại các biểu mẫu quy định.

Hội đồng chấm điểm độc lập theo các nhóm tiêu chí đánh giá và thang điểm quy định. Trước khi chấm điểm, hội đồng thảo luận chung để thống nhất quan điểm, phương thức cho điểm đối với từng tiêu chí.

Hội đồng thẩm định các nội dung nghiên cứu và dự toán kinh phí của đề tài, dự án với chế độ quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi tiêu hiện hành của nhà nước, của các bộ, ngành có thẩm quyền ban hành để quyết định việc thuê chuyên gia trong nước/nước ngoài, số lượng chuyên gia cần thiết tham gia đề tài, dự án và quyết định việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hay khoán chi từng phần đối với đề tài, dự án.  

Hà Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang