Công khai, minh bạch trước khi bổ nhiệm

author 22:23 12/05/2014

Vấn đề công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức đang được đông đảo bạn đọc cả nước quan tâm. Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và kinh tế ASEAN, GS-TS Lê Hồng Hạnh đưa ra những phát biểu thẳng thắn, những giải pháp cụ thể.

Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, kê khai tài sản chỉ là một khía cạnh nhỏ, vấn đề là minh bạch. Ảnh minh họa 

Lãnh đạo phải làm gương!

Trong Luật Phòng chống tham nhũng, cụm từ “công khai, minh bạch” xuất hiện rất nhiều lần. Theo ông, công khai, minh bạch có ý nghĩa thế nào trong phòng chống tham nhũng?

Chống tham nhũng sẽ không bao giờ thành công nếu thiếu tính minh bạch về tài sản của các quan chức. Minh bạch là nhìn thấy suốt. Đừng nghĩ chỉ cần công bố ông quan A có từng này tài sản, ông quan B có từng kia tài sản, đã là sự minh bạch. Minh bạch không chỉ là công khai tài sản, mà còn phải để công chúng biết tài sản đó từ đâu mà có. 

Công khai, minh bạch bắt đầu từ kê khai tài sản. Việc này hiện chưa có nhiều tiến triển. Theo ông, nó đang gặp phải khó khăn gì?

Khó khăn ở chỗ những người lãnh đạo chưa làm gương. Những qui định mới chỉ tồn tại trên giấy, trước hết bởi chính những người soạn ra nó vẫn chưa thực hiện. 

 Cần kê khai trước khi bổ nhiệm

Kê khai tài sản đã khó, kiểm tra việc kê khai đó có chính xác không càng khó hơn?

Kê khai tài sản khó ở chỗ người khai có đủ can đảm để khai hết không. Nếu họ không khai hết thì làm sao kiểm tra? Chẳng lẽ phải điều tra? Đâu dễ tiến hành điều tra đối với lãnh đạo! Sẽ dễ hơn nhiều, nếu trước khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo hay quản lý, Nhà nước cần buộc những người được bổ nhiệm minh bạch tài sản hiện có, của bản thân họ và gia đình họ.

Kê khai không trung thực thì cần xử lý thế nào?

Người kê khai phải cam đoan chịu trách nhiệm về tính chính xác. Khi có nền tảng minh bạch ban đầu đó, việc kiểm tra sau khi bổ nhiệm sẽ thuận lợi hơn. Anh nào gian dối, bị phát hiện là miễn nhiệm ngay, vì đã có cam kết. Khỏi phải kiểm điểm, kỷ luật kéo dài, tốn kém thời gian công sức nhiều người.

Trong cổ luật của ta, che giấu thu nhập thì bị xử lý thế nào, thưa ông?

Trong Bộ luật Hồng Đức, Điều thứ 125, chương Vi chế qui định:“Những quan vâng mệnh đi sứ nước ngoài mà chỉ chăm lo việc mua bán thì phải tội biếm hay đồ. Nếu là vật quí lạ, sách vở, các thuốc men thì cho phép được mua. Khi về nước đến quan ải phải khai rõ từng thứ. Quan ở trấn sai quan dưới đệ các thứ đó về kinh để kiểm soát. Nếu ẩn lậu không khai thực đều phải tội biếm hay bãi chức”;Điều thứ 127 qui định: “Những quan chức làm việc ở tỉnh ngoài, không ở trong dinh thự mà ở riêng nơi khác, thì bị phạt tám mươi trượng, và bị tội biếm, bãi hay đồ”. Xem từng đó thôi, đủ thấy cha ông ta nghiêm khắc như thế nào. Với những hành vi vi phạm, hình phạt bãi chức luôn được áp dụng.

Không làm được gì nếu cứ như hiện nay 

Người ta cho rằng nếu cán bộ, công chức kê khai tài sản đầy đủ, họ dễ bị điều tiếng giàu có nhờ thu nhập bất minh!

Tôi không nghĩ vậy. Kê khai mới là khía cạnh nhỏ thôi. Vấn đề là minh bạch. Anh có nhiều tài sản, nhưng đó là tài sản có nguồn gốc hợp pháp, thì phải tự hào chứ! Xã hội toàn người nghèo làm sao đất nước giàu đẹp, phồn vinh được. Chỉ sợ đất nước thì nghèo, ngân sách ngày càng teo tóp, song cán bộ, công chức sống xa hoa cả khi đương chức lẫn lúc về hưu thôi. 

Giả sử ông là chủ tịch UBND một tỉnh, nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng qua việc công khai tài sản ở địa phương mình, ông sẽ xử lý thế nào?

Tôi không làm được gì trong bối cảnh hiện nay. Xử lý sao được khi có quá nhiều qui trình, thủ tục, nhiều mối quan hệ ràng buộc chằng chịt, trong khi quyền hạn của chủ tịch tỉnh vẫn đặt dưới nhiều thiết chế khác, nhiều áp lực khác có sức nặng hơn.

“Sẽ dễ hơn nhiều, nếu trước khi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo hay quản lý, Nhà nước cần buộc những người được bổ nhiệm minh bạch tài sản hiện có, của bản thân họ và gia đình họ”.

GS-TS Lê Hồng Hạnh

Để ngăn chặn tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng cần những giải pháp đồng bộ: Cải cách hành chính, tăng lương, giảm chi tiêu tiền mặt, đẩy mạnh giải quyết khiếu nại tố cáo...

Thực tế cho thấy tham nhũng ngày càng nghiêm trọng. Lương tăng tới mức nào mới thỏa mãn những người có động cơ mài quyền lực Nhà nước để tư lợi?! 

 
                                     GS-TS Lê Hồng Hạnh.

Giải pháp quan trọng nhất

Vậy đâu là giải pháp quan trọng nhất, thưa ông?

Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, giải pháp tốt nhất là Đảng phải trở lại vai trò của những năm tháng oai hùng trước đây, hiệu triệu được nhân dân, cán bộ đấu tranh chống tham nhũng bằng những tấm gương hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc. Với tư cách một đảng cầm quyền, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, nếu Đảng chưa lãnh đạo được nhân dân chống tham nhũng có hiệu quả, thì vấn đề nằm ở đâu? Câu trả lời là nằm ở niềm tin của nhân dân. 

Từ khái niệm “công khai, minh bạch”, chúng ta đang trở về với khái niệm “niềm tin”. Nhiều bạn trẻ cho rằng tin hay không tin không quan trọng, quan trọng là cứ đúng luật mà làm!

Bố tôi năm nay đã 97 tuổi. Cụ thầm lặng tham gia kháng chiến chống Pháp, sau đó là kháng chiến chống Mỹ, với tư cách điệp báo trên vĩ tuyến 17. Có lần cụ nói một câu khiến tôi luôn suy nghĩ: “Tao có bao giờ được học mà biết về chủ nghĩa cộng sản, về chủ nghĩa xã hội. Chỉ thấy mấy ông Việt Minh đánh Pháp, bị bắt thà chết không đầu hàng, bị chém đầu cắm vào cọc để giữa đình làng. Thấy các ông như thế nên tao đi theo cách mạng để đánh Pháp thôi”. Niềm tin của nhân dân hình thành từ những hành động cụ thể của người cộng sản, nhất là những người lãnh đạo. Khi nhân dân tin Đảng, theo Đảng, thì tham nhũng không phải là trở ngại không thể vượt qua. 

Xin cảm ơn ông!

Theo TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang