Công nghệ blockchain giúp phát hiện nhanh thuốc giả trong chuỗi cung ứng

author 22:27 28/02/2020

(VietQ.vn) - Một số công ty dược phẩm lớn vừa cùng nhau phát triển một hệ thống dựa trên công nghệ blockchain để theo dõi và phát hiện thuốc giả trong chuỗi cung ứng.

Theo thông tin trên tờ Reuters, một số công ty dược phẩm lớn bao gồm Pfizer Inc, và Eli Lilly & Co mới đây đã phát triển một hệ thống dựa trên công nghệ blockchain để theo dõi thuốc theo toa trong chuỗi cung ứng nhằm hạn chế sự xâm nhập của thuốc giả.

Cụ thể, đã có khoảng 24 công ty trong ngành dược phẩm (bao gồm các nhà sản xuất thuốc, nhà phân phối, nhà bán lẻ và công ty phân phối) đã tạo ra Mạng lưới MediLedger. Mạng lưới này dựa trên công nghệ blockchain đang được thử nghiệm để xác minh lợi nhuận của thuốc.

Được biết, trong số 24 công ty tham gia mạng lưới bao gồm có cả Amgen Inc, FedEx Corp, GlaxoSmithKline Plc, Novartis, AmerisourceBergen Corp, Sanofi, Walgreen Boots Alliance Inc và Walmart Inc.

Susanne Somerville, Giám đốc điều hành tại Công ty công nghệ Chronicled đồng thời là người giám sát mạng lưới MediLedger cho biết, nhóm MediLedger đã đệ trình một báo cáo lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong đó đưa ra những lợi ích của blockchain cho vấn đề cụ thể này.

“Mặc dù việc cung cấp thuốc ở Hoa Kỳ là an toàn, nhưng vẫn có một tỷ lệ nhỏ thuốc giả tiềm năng. Chắc chắn, có rất nhiều bằng chứng về các loại thuốc được chuyển hướng. Thuốc giả là vấn đề lớn ở các nước của thế giới thứ ba, nơi người ta ước tính rằng một nửa số thuốc của họ là thuốc giả. Đây là một kế hoạch nhằm mục đích để không bao giờ xảy ra tình trạng thuốc giả ở đất nước này”, Som Somerville cho hay.

Ảnh minh họa 

Chức năng cốt lõi của Mạng lưới MediLedger là xác nhận tính xác thực của các mã nhận dạng thuốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Tất cả điều này có thể được thực hiện mà không có bất kỳ dữ liệu độc quyền nào được chia sẻ công khai trên blockchain hoặc không bao giờ rời khỏi sự kiểm soát của công ty.

Dự án MediLedger đã được tạo ra để đáp ứng lời kêu gọi của FDA vào đầu năm ngoái đối với các dự án thí điểm thử nghiệm một hệ thống tương tác điện tử như được nêu trong Đạo luật An ninh Chuỗi Cung ứng Thuốc (DSCSA).

Thuốc được xác định là giả có thể bị ô nhiễm, chứa thành phần sai hoặc không có hoạt chất nào cả. Thực tế trong quá khứ đã có những thời điểm thuốc ung thư giả tràn ngập thị trường. Nhận định về tình trạng thuốc giả, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng lượng thuốc giả được giao dịch hàng năm có trị giá khoảng 73 tỷ euro (79,26 tỷ USD).

Trước đó, cũng trong nỗ lực chống thuốc giả, tập đoàn máy tính hàng đầu thế giới IBM đang thiết lập một hệ thống kiểm soát, ngăn chặn tình trạng thuốc giả sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối). Phòng nghiên cứu lớn nhất của IBM ở nước ngoài đặt tại Israel cho biết, sau khi hoàn thành việc thiết lập hệ thống trên, IBM sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với chính phủ các quốc gia châu Phi để triển khai rộng rãi công nghệ blockchain trên toàn châu lục.

Thành viên tham gia vào hệ thống trên sẽ có quyền truy xuất những thông tin chính xác về nguồn gốc của dược phẩm như: tên nhà sản xuất, địa chỉ, ngày xuất xưởng. Người sử dụng chỉ cần tải xuống một ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể biết chính xác nguồn gốc dược phẩm.

Mặc dù đây là giải pháp phức tạp được cấu thành bởi sự liên thông giữa hệ thống máy tính khổng lồ trên toàn thế giới, nhưng người sử dụng chỉ cần tải xuống một ứng dụng trên điện thoại thông minh là có thể biết chính xác nguồn gốc dược phẩm.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc dược phẩm của IBM được xem là sẽ rất hữu dụng tại châu Phi, nơi đang lưu hành một nửa số thuốc giả trên thế giới trong giai đoạn từ 2013 - 2017. Bởi theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng thuốc giả thâm nhập vào nhóm các nước nghèo tại châu lục này lớn gấp 30 lần so với các nước giàu.

Báo cáo mới đây do Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Học viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) phối hợp thực hiện, cho thấy: riêng loại thuốc chống sốt rét giả và kém chất lượng mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của khoảng từ 64.000 đến 158.000 người tại châu Phi. Bên cạnh đó, nạn thuốc giả tràn lan còn gây ảnh hưởng tiêu cực cũng như cản trở sự phát triển của ngành sản xuất dược phẩm tại nhiều nước châu Phi.

Còn theo tờ The Guardian (Anh), thuốc giả và kém chất lượng đang được bày bán tràn lan. Chỉ tính riêng thuốc trị sốt rét, thuốc viêm phổi giả và kém chất lượng đã gây ra cái chết của khoảng 250.000 trẻ em hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều người tử vong vì vắc xin và kháng sinh giả, kém chất lượng để điều trị các bệnh viêm nhiễm cấp như viêm gan, sốt vàng da và viêm màng não.

Bảo Lâm (Theo Reuters)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang