Công nghệ CAS bảo quản gạo tới 10 năm

author 16:39 28/08/2014

(VietQ.vn) - Hiện nay ở Nhật Bản, công nghệ CAS đã và đang được ứng dụng trong Y học để bảo quản máu, nha chu răng, nội tạng người. Ở Việt Nam, công nghệ này cũng được ứng dụng thành công bước đầu trong bảo quản, chế biến thực phẩm.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, CAS (Cells Alive System) nghĩa là hệ thống tế bào còn sống – Công nghệ đông lạnh nhanh với chức năng CAS.

Viện đã công bố kết quả thí nghiệm mới nhất, theo đó, Hệ thống CAS khi kết hợp với thiết bị làm lạnh nhanh sẽ có khả năng làm đông lạnh hỗn hợp nước và chất màu một cách đồng đều. Còn thiết bị làm lạnh nhanh không được kết hợp với hệ thống CAS, khi làm đông lạnh cho kết quả hỗn hợp nước và chất màu bị đóng băng thành 2 phần tách biệt. Kết quả thí nghiệm này cho thấy tính năng nổi bật của công nghê bảo quản CAS.

Bằng cách lắp đặt CAS vào các thiết bị làm lạnh nhanh sẵn có, chúng ta có thể cung cấp thực phẩm tươi ngon đến tận tay người tiêu dùng. CAS không phá vỡ màng và thành tế bào của thực phẩm.

Công nghệ CAS bảo quản thành công gạo tới 10 năm

Công nghệ CAS kết hợp với thiết bị làm lạnh nhanh sẵn có. Ảnh H.G

Công nghệ CAS được đánh giá là công nghệ ưu việt bởi nó được sử dụng trong bảo quản chế biến thực phẩm tươi như thủy hải sản, nông sản, thực phẩm trong thời gian 1 – 2 năm, thậm chí hơn 10 năm (như bảo quản gạo). Bên cạnh đó, CAS còn có những ưu điểm nổi bật: Không phá vỡ kết cấu mô tế bào, kết cấu thực phẩm; giữ được chất lượng thực phẩm còn nguyên vẹn, giữ được màu sắc, hương vị tươi ngon ban đầu; giữ được nước trong sản phẩm; giữ được các hợp chất sinh học, axit amin, vitamin; ngăn chặn quá trình oxy hóa; ngăn chặn sự phân hủy protid.

Thực phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS sau khi rã đông không nhỏ giọt, do đó không làm mất các thành phần dinh dưỡng và giảm đáng kể lượng chất thải. Hiện nay ở Nhật Bản, công nghệ CAS đã và đang được ứng dụng trong Y học như bảo quản máu, nha chu răng và nội tạng của người.

Công nghệ CAS cần phải được trang bị hệ thống máy móc thiết bị cơ bản bao gồm 2 bộ phận: Bộ phận thứ nhất là máy lạnh đông nhanh với chức năng CAS (Quick Freezer with CAS Function), có công suất 100 kg/H đến 1000kg/H. Bộ phận thứ 2 là kho bảo quản đông với chức năng giao động điều hòa (Harmonic Oscillating Freezing Stocker), có sức chứa 100 – 300m2.

Hiện nay ở Việt Nam, công nghệ CAS có khả năng ứng dụng để bảo quản các thực phẩm dễ hỏng như thủy, hải sản. Bảo quản các thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, trái cây, rau củ quả, nấm tươi, sữa, cà phê, nước hoa quả, gạo. Bảo quản thực phẩm tươi ngon như bánh kẹo và bảo quản thực phẩm là đồ ăn của Nhật Bản, Trung Quốc và thức ăn điều dưỡng.

Một số thực phẩm được bảo quản bằng công nghệ CAS bước đầu cho kết quả rất tốt. Tôm sú được bảo quản tới 9 tháng, cá ngừ được bảo quản tới 2 tháng vẫn tươi ngon. Các loại hoa quả nguyên vỏ như vải, nhãn sau khi được bảo quản bằng CAS vẫn đảm bảo chất lượng sau 11 tháng. Các loại hoa quả tươi bóc vỏ thái lát như dưa hấu, thanh long, xoái, dứa, bơ, bưởi sau 2 tháng bảo quản bằng CAS vẫn tươi ngon như mới thu hoạch.

Công nghệ CAS bảo quản thành công gạo tới 10 năm

Tôm sú được bảo quản bằng công nghệ CAS sau 9 tháng vẫn tươi ngon. Ảnh H.G

Sắp tới, giai đoạn 2015 – 2020, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng dự kiến tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng công nghệ CAS vào bảo quản, chế biến các loại nông sản, hải sản, thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần hợp tác nghiên cứu, ứng dụng trao đổi công nghệ CÂS với các viện nghiên cứu, trường đại học có liên quan đến bảo quản, chế biến nông sản, hải sản, thực phẩm và Y học để sử dụng công nghệ CAS trong các lĩnh vực có liên quan.

Để áp dụng công nghệ CAS rộng rãi, cần phải chuyển giao qui trình công nghệ này cho các doanh nghiệp bảo quản, chế biến, xuất khẩu nông nghiệp và thủy sản Việt Nam.


Hương Giang

  

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang