Công nghệ hạt nhân ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống

author 06:18 19/05/2017

(VietQ.vn) - Tại Việt Nam, công nghệ hạt nhân đang được sử dụng rộng rãi và mang lại nhiều thành tựu đáng kể trong công nghiệp, y học và nền nông nghiệp hiện đại.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đó là chia sẻ của Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, TS. Nguyễn Hào Quang tại Ngày hội Hạt nhân và Khoa học 2017 vừa mới được diễn ra tại Hà Nội.

Nói về các ứng dụng công nghệ hạt nhân Việt Nam đang áp dụng cho các lĩnh vực phi năng lượng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, TS. Nguyễn Hào Quang cho biết, theo con số thống kê, Việt Nam có khoảng 1.300 nguồn phóng xạ được sử dụng trong công nghiệp. Chúng chủ yếu được sử dụng trong các lĩnh vực như: Hệ thống kiểm soát hạt nhân (NCS); Kiểm tra không phá hủy (NDT); Địa vật lí giếng khoan; Chiếu xạ công nghiệp. Trong lĩnh vực y học, một số bệnh viện tại Việt Nam đã được trang bị các thiết bị bức xạ ion trong việc khám, chữa bệnh hiện nay.

Cụ thể, về các ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp ở Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hào Quang cho biết, các giống lúa đột biến có năng suất cao, chất lượng tốt, thơm, kháng bệnh có thể kể đến VN10, DT10, DT11, A20, Spring, DT39, DT37, VS1, BQ, NPT4, TQ14, Xuân 4, Xuân 5, Tám Thơm đột biến, Khang Dân đột biến.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang ứng dụng nhiều trang thiết bị hiện đại từ công nghệ hạt nhân trong lĩnh vực y học, công nghiệp. Như Khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV Bạch Mai có máy chụp cắt lớp CT 128-256 dãy, hệ thống chụp mạch DSA... BV 108 có máy chụp cắt lớp vi tính CT 320 dãy, SPECT/CT, PET/CT, dạo điện tử, LINAC... hay Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị chụp cắt lớp thế hệ 3, Thiết bị CT/SPECT công nghiệp, Thiết bị CT GORBIT và phần mềm dựng ảnh, Triển khai kỹ thuật Tracer trên các mỏ dầu…

 Công nghệ hạt nhân ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Ảnh minh hoạ

"Về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y học, một số bệnh viện Việt Nam có các thiết bị bức xạ ion hóa hiện đại. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có máy chụp cắt lớp vi tính CT 320 dãy, SPECT/CT, PET/CT, dao điện tử, LINAC, 30 MeV-Cyclotron... Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều đồng vị dược chất phóng xạ dùng để chẩn đoán sớm ung thư…" - TS. Nguyễn Hào Quang cho biết.

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng đã sử dụng phương pháp kiểm tra không phá hủy để kiểm tra chất lượng của các dự án quốc gia như: cầu Mỹ Thuận, cầu Việt Trì, nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ…

Ngoài ra, Việt Nam cũng sử dụng công nghệ chiếu xạ để bảo quản thực phẩm. Có tới 30% thực phẩm không bảo quản được sau thu họach. Nhờ công nghệ bức xạ có thể kéo dài thời gian bảo quản các nguồn thực phẩm đông lạnh, hoa quả để xuất khẩu.

Ngày 18/5/2017, Ngày hội Hạt nhân và Khoa học 2017 đã khai mạc tại Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử (Đại học Bách Khoa Hà Nội). Đây là một chuỗi sự kiện giáo dục diễn ra trong hai ngày 18-19/5/2017 về chủ đề công nghệ, kỹ thuật hạt nhân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng và các bạn sinh viên về công nghệ hạt nhân.

Cùng nằm trong khuôn khổ chương trình, Ngày hội Hạt Nhân và Khoa học 2017 cũng có rất nhiều sự kiện dành riêng cho sinh viên của trường ĐH Bách Khoa, ví dụ như cuộc thi tìm hiểu về “Sức mạnh Nguyên tử” – các sinh viên sẽ tham gia trả lời các câu hỏi về an toàn phóng xạ và ứng dụng của công nghệ hạt nhân ngoài ngành năng lượng.

Một sự kiện khá thú vị không kém đó là cuộc thi “Giả định về Năng lượng Hạt nhân”, sân chơi cho các sinh viên trổ tài hùng biện về các giả thuyết về hạt nhân một cách thuyết phục nhất.

Kết thúc chuỗi sự kiện sẽ là Hội thảo nghề nghiệp cho sinh viên, nơi sinh viên sẽ tìm thấy câu trả lời phù hợp cho câu hỏi “Tại sao nên theo học ngành Khoa học?".

Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang