Công nghệ là mấu chốt để tăng năng suất lao động

author 13:01 19/04/2016

(VietQ.vn) - Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, công nghệ chính là mấu chốt để tăng năng suất lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Vấn đề năng suất lao động (NSLĐ) được Chính phủ và toàn xã hội đặc biệt quan tâm do đây là yếu tố tác động quan trọng tới năng lực cạnh tranh quốc gia và mức sống của người dân. Lao động Việt Nam luôn được đánh giá chăm chỉ, cần cù, nhưng NSLĐ của người Việt lại luôn ở mức thấp.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Việt Nam là một trong ba nước có NSLĐ thấp nhất khu vực ASEAN. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam có sự cải tiến năng suất đáng kể, tăng hơn 3%/năm, tăng mạnh nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng. Khoảng cách NSLĐ Việt Nam so với các nước trong khu vực ASEAN đang được thu hẹp dần. Tuy nhiên, khoảng cách về NSLĐ của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa.

Các khảo sát đều chỉ ra rằng, các DN đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Điều mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của DN đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

Có rất nhiều yếu tố tác động đến NSLĐ của Việt Nam. Đầu tiên là khoa học và công nghệ, thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao giải pháp quản lý NSLĐ mới được nâng cao. Đồng thời NSLĐ ở Việt Nam còn bị chi phối bởi trình độ và kỹ năng của người lao động, môi trường làm việc… Vấn đề về thị trường cũng tác động làm năng suất giảm. Có những ngành nghề, nguồn đầu ra không ổn định, “được mùa, mất giá”. Sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được, nhiều trường hợp thua lỗ. Chính điều này dẫn đến NSLĐ thấp khi chia cho những ngành nghề, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả thấp khi nguồn nhân lực cao.

Đặc biệt còn có nguyên nhân từ vấn đề thủ tục hành chính. Nhiều thủ tục còn chưa tập trung vào giúp DN, tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, cũng phải thừa nhận, năng suất thấp là trách nhiệm của cả phía DN và người lao động, trong đó DN phải chia sẻ lợi ích với người lao động. Người lao động cần được trang bị công cụ, trang thiết bị tiên tiến, công nghệ cao. Có nhiều DN vùi dập thành quả cải tiến của người lao động, cho rằng quyết định của mình là trên hết, không tạo được động lực cho người lao động phát triển những sáng tạo cải tiến. Nếu giữ cách làm này thì không thể phát triển và tăng NSLĐ được.

Do vậy, để cải thiện NSLĐ, theo Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: Vốn, khoa học công nghệ và con người. “Trong đó, quan trọng nhất, để phát triển kinh tế một cách bền vững và đảm bảo bắt kịp các nước đã phát triển thì Việt Nam cần tập trung hơn nữa vào thúc đẩy tăng năng suất thông qua phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói. 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang