Công nghệ nhân giống giúp thủy sản Việt vượt ngoại

author 17:34 09/05/2014

(VietQ.vn) - Tới nay, công nghệ sản xuất giống thủy sản đã tiếp cận, thậm chí một số trường hợp còn vượt cả trình độ quốc tế.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đóng góp lớn nhất của KH-CN là công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến giúp tăng sản luợng và giá trị xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản chiếm bình quân từ 57-58% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Các mặt hàng thủy sản chế biến xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo yêu cầu về chất lượng thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ.

Áp dụng thành công nhiều mô hình

Thời gian vừa qua, hoạt động KH-CN trong nuôi trồng thuỷ sản đã tập trung giải quyết mục tiêu đa dạng hoá đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, hình thức, mô hình nuôi vừa đảm bảo khai thác đặc tính sinh học đa dạng của các giống loài thủy sản vừa phát huy được đa dạng các vùng sinh thái riêng biệt.

Công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng giúp tăng sản luợng và giá trị xuất khẩu thủy sản

Một số công nghệ sản xuất giống đã tiếp cận hoặc vượt trình độ quốc tế. Điển hình là việc tạo giống cua biển của Việt Nam hiện có tỳ lệ ra giống đạt 6-8% ở quy mô trang trại cao hơn so với trung bình 3-5% khu vực Đông Nam Á. Tương tự ốc hương của Việt Nam có thể đạt tỷ lệ sống đến con giống là 20% cao hơn so với Ấn Độ và các nước trong khu vực.

Gần đây nhất, mô hình nuôi tôm sú năng suất cao (1,5-2,5 tấn/ha) ít phải thay nước cũng được nghiên cứu và thử nghiệm thành công; các mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa đã cho ra năng suất từ 4,5-5 tấn lúa và 1-1,3 tấn cá/ha/năm; mô hình nuôi cá rô phi đạt 10 tấn/ha;  cá ba sa đạt 15-20 tấn/ha/năm; nghiên cứu áp dụng rộng rãi công nghệ sàn xuất giống cá ba sa nhân tạo, thay thế hoàn toàn và không phụ thuộc vào việc phải nhập ngoại, hạ giá thành cá giống, chủ động nguồn sản xuất, góp phần quyết định trong việc khôi phục và phát triển nghề nuôi cá bè.

Việt Nam hiện cũng đã làm chủ kỹ thuật nuôi vỗ cá Tầm bố mẹ qua đông, kỹ thuật sinh sản nhân tạo, ấp, ươm con giống từ cá bố mẹ trong nước giúp chủ động sản xuất con giống trong nước thay thế nguồn trứng nhập ngoại, hạ giá thành sản xuất cá Tầm.

Góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản

Về chế biến thủy sản, hoạt động KH-CN trong ngành thuỷ sản đã góp phần nâng cao đáng kể chất lượng sản phẩm thuỷ sản.

Chương trình chế biến và xuất khẩu thủy sản đến năm 2005 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ năm 1998 là một chương trình tạo bước ngoặt trong thế kỷ XXI cho ngành chế biến thủy sản nước ta. Có thể nói, chế biến xuất khẩu thủy sản là động lực cho tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu trong khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, theo Cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước có 300 cơ sở chế biến thủy sản và khoảng 220 nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm đông lạnh phục vụ xuất khẩu, có tổng công suất 200 tấn/ngày.

Cũng theo thống kê, tính đến thời điểm này, cả nước có 300 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, hơn 440 doanh nghiệp sang Hàn Quốc, hơn 440 doanh nghiệp sang Trung Quốc, 30 doanh nghiệp sang Liên bang Nga, 60 doanh nghiệp sang Brazil và gần 450 doanh nghiệp sang Nhật Bản. Tính đến hết 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt 6,7 tỷ USD.

Từ những con số trên, có thể nhận thấy, KH-CN đã trờ thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đóng vai trò quan trong đối với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang