Công nghệ phù phép cút non, vịt con thành chim đặc sản

author 06:40 16/12/2014

(VietQ.vn) - Dọc các quốc lộ hay trong các nhà hàng, các món chim sẻ nướng, đặc sản chim rừng rất đắt hàng. Qua điều tra, các chủ hàng thực chất đã dùng bột sắt, một loại phẩm màu công nghiệp để phù phép cút non, vịt con thành các loại chim đắt tiền hơn để đánh lừa thực khách.

Vịt con đội lốt chim sẻ quay

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bắc Ninh vừa phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành bắt giữ hơn 1.000 con vịt con “đội lốt” chim sẻ quay được bày bán dọc trên Quốc lộ 1A, khu vực thuộc xã Liên Bão - Tiên Du. Theo đó, khi tiến hành kiểm tra hành chính đối với 6 người đang bán “chim sẻ quay” trên QL 1A, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 1.000 con vịt con đã qua sơ chế, tẩm gia vị… được đựng trong thùng xốp, giả làm chim sẻ để bán cho khách qua đường.

Các đối tượng cho biết, Thảo mua số vịt con trên tại các điểm với giá 500 đồng/con, rồi mang về sơ chế, tẩm ướp gia vị chế biến giả làm chim sẻ quay sau đó thuê người cắm chốt dọc trên tuyến quốc lộ 1A để bán với giá 5.000 đồng/con. Trước đó,  loại mặt hàng này đã bị truy quét gắt gao tại Hà Nội và một số tỉnh thành khi có nhiều thông tin chứng minh các con chim sẻ quay này hầu hết đều được “hô biến” từ các con vịt con mới nở bị thải loại mang nhiều nguy hại.

Chim sẻ đặc sản thực chất chỉ là vịt con

Chim sẻ đặc sản thực chất chỉ là vịt con. Ảnh: Dân Trí

Theo tìm hiểu, nguồn vịt con để cung cấp cho các quầy chim sẻ quay này có nguồn gốc từ hai nơi. Nếu là nguồn nội địa, thì chủ yếu là từ các các trại ấp trứng. Khi soi quả trứng sắp nở phát hiện vịt đực, đợi vịt con nở ra, người ta ngay lập tức được đem làm sạch lông, cắt vát mỏ, rạch màng chân sao cho giống với chim sẻ nhất rồi nhúng vào các loại hóa chất bảo quản, đem phân phối cho các quầy chim sẻ di động. Khi ăn phải những con chim sẻ này người tiêu dùng không chỉ đối mặt với nguy cơ có thể bị các bệnh dịch cúm, đặc biệt là trong tình hình dịch cúm A H5N1 và cúm A N7H9 đang tái phát mà còn đối mặt với các loại hóa chất bảo quản chứa nhiều độc hại.

Biến cút non thành chim sẻ

Mỗi ngày, hàng vạn con chim cút được các lò mổ tại tỉnh Long An, Tiền Giang cung cấp các quán nhậu, nhà hàng tại TP.HCM “đội lốt” thành món chim sẻ, bồ câu non đánh lừa người tiêu dùng. Theo tìm hiểu, giá chim cút ông D (chủ trại chim cút ở Long An) bán cho các vựa chỉ khoảng 2.000 đồng/con, nhưng khi nhà hàng cho “đội lốt” chim sẻ giá bán lên tới chục nghìn/con.

Mặc dù mỗi ngày giao cả ngàn con chim cút cho các vựa thành phố nhưng cơ sở của ông D cũng chỉ cần vài người làm công. Lúc này đã đến giờ làm hàng, ông D huy động mọi người vào việc để kịp giao cho vựa trong ngày. Nước được nấu sôi tại chỗ, ông D cầm cái thùng vào chuồng bắt cả mớ chim cút đem ra đổ ào vào nồi nước nóng pha sẵn.

Cút non đang được phù phép để biến thành đặc sản chim sẻ

Cút non đang được phù phép để biến thành đặc sản chim sẻ. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Sau đó, ông vớt ra đem đổ vào máy quay vặt lông, chỉ một lúc mẻ chim cả trăm con đã sạch lông trần trụi.  Chim được đổ ra nền xi măng xối nước rửa qua để mấy nhân viên bắt đầu “xử lý” ngắt đuôi, moi ruột... 

Theo tìm hiểu của PV, trước đây gia vị dùng để tẩm chim cút gồm bột điều, hoa hồi, hoa quế, đường, ớt, tiêu… Tuy nhiên, việc dùng bột điều để cho vào tạo màu hiện nay chỉ những nhà hàng lớn, uy tín thực hiện do bột điều đắt. Thay vào đó, một số nơi (nhất là quán nhậu vỉa hè) đã dùng bột sắt, một loại phẩm màu công nghiệp được bán với giá rẻ để tạo màu, “hô biến” thành các loại chim đắt tiền hơn để đánh lừa thực khách... 

Cút nuôi quá nứa biến thành chim rừng đặc sản

Sau một thời gian vắng bóng, những ngày gần đây trên tuyến quốc lộ 1A đoạn đi qua Bến Lức, Thủ Thừa và TP Tân An (Long An) tái diễn tình trạng chim rừng tràn lan. Thực chất những con chim này chỉ là chim cút. vẫn thủ đoạn cũ, những con “chim rừng” này sau khi nhổ lông, thui sẵn được bày bán dọc hai bên đường với tên gọi chằng nghịch, ốc cao,…

Chim rừng đặc sản được bày bán ngay bên lề đường bụi bẩn

Chim rừng đặc sản được bày bán ngay bên lề đường bụi bẩn. Ảnh: PLO

Dù chỉ trên một đoạn đường ngắn vài cây số từ Tân An đến Bến Lức nhưng vào những ngày nghỉ, có đến 30, 40 người bày bán các loại chim này. Rất nhiều người đi đường đã mua những con “chim rừng” kiểu này với giá trên trời, từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg.

Quan sát một người đàn ông bày bán chim đặc sản  trên một thùng xốp, không hề che chắn dù dọc quốc lộ bụi, cát bay mù mịt. Vừa bán người đàn ông này vừa dùng một đầu khò lửa gắn bình ga mini để thui những con “chim rừng” được đặt trên một cục đá cáu bẩn ven đường. Sau vài phút khò lửa, trở qua trở lại, người này dùng một cái giẻ đen kịt lau sơ qua, những con chim trắng nhợt nhạt trở nên săn chắc và ngả thành một màu vàng bắt mắt hơn.

Ông Phan Ngọc Châu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An cho biết: "Đa số các loại gia cầm đươc bày bán không rõ nguồn gốc nói trên đều không an toàn, có thể mang mầm bệnh. Chi cục sẽ sớm phối hợp với các ngành liên quan, trong đó có lực lượng quản lý thị trường sẽ đi kiểm tra, sớm có hướng xử lý dứt điểm".

Thái Hà (Tổng hợp từ PLO, Nông nghiệp VN và Dân trí)

 


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang