Người lao động có nguy cơ mất việc hàng loạt khi công nghệ Robot phát triển

author 05:56 14/12/2016

(VietQ.vn) - Người lao động phải nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nếu như không muốn bị mất việc làm và bị thay thế bởi những robot trong tương lai không xa.

Tại Hội thảo “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” diễn ra ngày 13/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho hay toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Dự báo lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người vào năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 việc làm.

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Đồng thời, ba phần tư lao động làm công ăn lương trong ngành sản xuất điện tử có thể bị thay thế bởi robot.

Dệt may, da giày và điện tử là hai ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, ngành dệt may, da giày có đặc điểm chủ yếu là thâm dụng lao động và kỹ năng tay nghề thấp. Năng suất lao động trong ngành này thấp một cách báo động, chỉ ở mức 20% của Thái Lan và gần tương đương với Campuchia.

Còn đối với ngành điện tử, nghe có vẻ sang nhưng thực chất, ngành sản xuất này cũng chủ yếu sử dụng lao động nữ là chính và có trình độ tay nghề rất thấp, chủ yếu là công việc lắp ráp. Tuy nhiên theo dự báo của nhiều chuyên gia lao động, việc bố trí việc làm cho lao động sẽ gặp vô vàn khó khăn do sức ép của phát triển công nghệ, rô bốt thay thế lao động con người.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ trong tương lai gần, khoảng 5-10 năm nữa, hàng triệu lao động Việt Nam sẽ có nguy cơ thất nghiệp vì sự phát triển của khoa học công nghệ, cụ thể là lao động robot. "Robot làm việc 24/7, không đình công, không phải đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương của người máy thì giảm trong khi đó tiền công của lao động lại ngày càng tăng... là những thách thức mà lao động Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt lao động trong ngành dệt may, da giày", Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Minh chứng rõ hơn về mối lo này, bà Nguyễn Thiên Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: Hiện nay DN cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ trong sản xuất, ví dụ như một chiếc máy cắt có thể thay thế cho khoảng 15 lao động.

Cùng chia sẻ về chủ đề này, bà Đào thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao (Văn phòng Tổng giám đốc), Công ty Canon Việt Nam cho hay, tại Tập đoàn Canon, việc tự động hóa trong sản xuất, máy móc thay thế con người đã diễn ra từ lâu, không phải bây giờ mới được nhắc tới. Biểu hiện ở việc thay bằng 13.000 lao động làm việc tại Việt Nam thời gian trước, đến nay, Canon chỉ còn khoảng 8.000 cán bộ nhân viên cho từng đó khối lượng công việc.

Công nghệ Robot khiến nhiều lao động có nguy cơ mất việc. Ảnh minh hoạ

Tại buổi đối thoại, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, ưu tiên cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động là một nhiệm vụ quan trọng trước bối cảnh những lao động tay nghề thấp có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa.

Để hạn chế những mối nguy trước mắt về tình trạng thất nghiệp, đại diện tổ chức Lao động quốc tế cho rằng Việt Nam nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo để hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu những xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc.

Còn ông Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên có chính sách ưu tiên rõ rệt cho các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bởi hiện nay một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong một số ngành công nghệ tăng trưởng nhanh là do những sinh viên giỏi nhất thường lựa chọn các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng...

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ứng phó với thay đổi về công nghệ không phải là việc của riêng ai, mà là của cả Đảng, Chính phủ (trong hoạch định chính sách, tái cơ cấu nền kinh tế…), các doanh nghiệp, các tổ chức và người lao động. Đối với người lao động, theo bà, cần tăng cường nhận thức, có ý thức rèn luyện những kỹ năng mới để đáp ứng được xu thế mới cũng như xác định tâm thế học suốt đời để không bị động trước những biến đổi về công nghệ.

Ứng dụng công nghệ Robot vào phẫu thuật nhiều bệnh nan y(VietQ.vn) - Việc ứng dụng hệ thống Robot phẫu thuật nhiều bệnh nan y mang đến cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị công nghệ cao và hiệu quả cao cho người bệnh.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang