Công nghệ sinh học, thực phẩm biến đổi gen góp phần đảm bảo an ninh lương thực

author 06:53 08/11/2019

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, những thành tựu của công nghệ sinh học, đặc biệt là việc phát triển cây trồng, thực phẩm biến đổi gen đóng vai trò lớn vào việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Công nghệ sinh học là “chìa khóa” đảm bảo bền vững an ninh lương thực

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Công nghệ sinh học với việc cải thiện nguồn cung thực phẩm và sức khỏe” vừa diễn ra, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, hàng loạt tổ chức như FAO, WFP, IFAD, WHO và UNICEF đã cảnh báo về sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực thực phẩm, sự gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng cao trên toàn cầu.

Cảnh báo từ các tổ chức quốc tế cũng đề cập tới tình trạng thiếu đói còn tồn tại ở một số vùng nghèo, vùng khó khăn ở Việt Nam. Song song với đó là sự gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu đang làm cản trở nỗ lực của Việt Nam nói chung và toàn cầu trong việc thực hiện các biện pháp chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. 

Trước thực trạng đó, các phát minh và áp dụng công nghệ sinh học, trong đó có cây trồng biến đổi gen sẽ được coi là một trong số nhiều giải pháp giúp đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu trong tương lai.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, dù những ứng dụng công nghệ sinh học, đặc biệt là cây trồng biến đổi gen đã trở thành thành tựu khoa học tiến bộ của thế giới trong suốt nhiều chục năm qua, được nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Canada và nhiều quốc gia phát triển khác chấp nhận nhưng tại Việt Nam, công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gien và những ứng dụng của công nghệ sinh học hiện còn chưa được nhiều người biết đến, đặc biệt là tại Việt Nam.

“Công nghệ sinh học nói chung và thực phẩm biến đổi gien nói riêng đã đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần làm tăng năng suất, giảm chi phí nông nghiệp, đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp an ninh lương thực trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan ngại về những ý kiến cho rằng công nghệ sinh học có thể gây ra các hiện tượng như dị ứng, ức chế miễn dịch, kháng kháng sinh hay ung thư và nhiều nỗi lo vô hình khác. Chính vì vậy, đối với vấn đề này, cần có những nghiên cứu sâu hơn nữa với tính khách quan cao để giải đáp những khúc mắc từ phía dư luận, người tiêu dùng và xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.

Cùng quan điểm trên, bà Rhodora R. Aldemita – Giám đốc trung tâm SEAsia – Giám đốc Trung tâm Kiến thức toàn cầu về công nghệ sinh học, Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA) khẳng định, công nghệ sinh học là một trong các lựa chọn để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định kinh tế và môi trường bền vững.

Công nghệ sinh học tiếp tục đóng vai trò quan trọng để đảm bảo mục tiêu đạt 50% nhu cầu thực phẩm vào năm 2050, có thể giúp giải quyết các thách thức được chỉ ra bởi FAO, UN như: Quá trình tăng dân số, đô thị hóa, già hóa; Biến đổi khí hậu; Năng suất nông nghiệp và sự đổi mới; Sâu bệnh xuyên biên giới; Dinh dưỡng và sức khỏe; Tổn thất thực phẩm và chất thải.

Cần có nhận thức đầy đủ về thực phẩm biến đổi gen

Theo PGS. TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho tới nay, dư luận vẫn đang tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen lên sức khỏe con người.

Dẫn thông tin từ Bộ TN&MT, PGS.TS Phạm Văn Hoan cho biết, cho đến nay, vẫn chưa có khẳng định chắc chắn nào về tác hại của việc sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gen (GMO). Còn theo thông tin từ các tổ chức như WHO, FAO, FDA, EPA, thực phẩm biến đổi gen an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen; chưa phát hiện ảnh hưởng tiêu cực của thực phẩm biến đổi gen lên sức khỏe con người bởi cơ thể sẽ hấp thụ protein, lipit và các chất DD của GMO trong ruột, dạ dày chứ không hấp thụ gen. Hiện nay, cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định GMO có tác động tới gen của con người.

PGS. TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ góc nhìn về thực phẩm biến đổi gen. 

Mặt khác, theo PGS.TS Phạm Văn Hoan, kết quả nhiều nhóm nghiên cứu độc lập được công bố ở một số tạp chí khoa học có giá trị như: Critical Reviews in Biotechnology, Environment International, Genetics, Nature Biotechnology, cũng khẳng định, lịch sử 20 năm sử dụng GMO chưa thấy có báo cáo nào nói đến hiện tượng ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người.

Tuy vậy, PGS.TS Phạm Văn Hoan cho rằng, để khách quan, cũng cần nhìn nhận cả những luồng ý kiến cho rằng thực phẩm từ GMO cũng có thể dẫn đến những rủi ro như: Gây dị ứng hoặc gây nên tình trạng lờn thuốc ở người tiêu dùng; Kích hoạt các gen không mong muốn làm rối loạn quá trình chuyển hóa.

“Việc gây dị ứng hoặc ngộ độc của một protein là rất thấp vì đã được biến đổi trong quá trình chế biến, đồng thời, được phân giải đi trong quá trình tiêu hóa. Khả năng các gen kháng thuốc từ thực phẩm GMO chuyển sang vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột hoặc nhiễm các gen lạ vào cơ thể rất thấp vì hệ tiêu hóa của người có khả năng phân hủy hết các gen, đồng thời, khó xảy ra khả năng tái tổ hợp với các gen của vi khuẩn trong đường ruột hoặc trong tế bào”, PGS.TS Phạm Văn Hoan nói.

PGS.TS Phạm Văn Hoan cho biết thêm, tại Việt Nam, số lượng lẫn chủng loại GMO tương đối nhiều. Kết quả khảo sát có 111 sản phẩm biến đổi gen/ 323 mẫu thực phẩm chọn ngẫu nhiên ở 17 chợ và siêu thị (bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, cà chua, đậu Hà Lan,…).

Để kiểm soát cũng như minh bạch thông tin để người tiêu dùng có thể lựa chọn, Bộ NN&PTNT đã quy định ghi nhãn đối với GMO tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, từ 8/1/2016, các GMO được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn ghi rõ “biến đổi gen” bằng tiếng Việt. Thực phẩm GMO bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen >5% tổng nguyên liệu phải ghi nhãn khi lưu thông. Các thực phẩm biến đổi gen không ghi nhãn theo quy định sẽ không được tiếp tục sản xuất và nhập khẩu.

“Trước những thách thức dinh dưỡng và sức khỏe, ghi nhãn dinh dưỡng ở Việt Nam là cần thiết, giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; ưu tiên đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, giảm mức tiêu thụ muối, đường, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, cũng như sử dụng hợp lý chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày”, PGS.TS Phạm Văn Hoan nhấn mạnh.

 GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Còn GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại Việt Nam đã có ít nhất 14 văn bản pháp lý liên quan đến cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen ở các mức khác nhau, luật, nghị định, thông tư đã được xây dựng và hoàn thiện từ 2006. Trong đó có 3 luật là luật bảo vệ môi trường, luật bảo tồn đa dạng sinh học và luật vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có 5 bộ và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tham gia trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến sinh vật biến đổi gen (Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT). 5 bộ và Viện Hàn Lâm KH&CN tham gia các hội đồng đánh giá và đưa ra quyết định.

“Cây trồng biến đổi gen trước khi được đưa vào trồng ở Việt Nam cần được đánh giá theo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn đổi với môi trường, đa dạng sinh học. Trong trường hợp sản phẩm biến đổi gen muốn được xem xét sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam thì phải được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng cùng mục đích mới được đưa ra xem xét”, GS.TS Lê Huy Hàm cho hay.

GS.TS Lê Huy Hàm nói thêm, hiện Việt Nam nhập khoảng 7-8 triệu tấn ngô, khoảng 5-7 triệu tấn đậu tương và sản phẩm đậu tương; trong khi đó năm 2017, Trung Quốc nhập 95 triệu tấn đậu tương và hàng chục triệu tấn ngô từ các nước châu Âu, châu Mỹ.

“Có thể thấy, chính công nghệ gen đã giúp châu Mỹ sản xuất ra lượng lương thực lớn với giá cả hợp lý như vậy. Nếu không có công nghệ gen, châu Á và Việt Nam cũng không được hưởng giá lương thực, thực phẩm như hôm nay chúng ta đang có”, GS.TS Lê Huy Hàm nhấn mạnh.

Tại Hội thảo "Công nghệ sinh học với việc cải thiện nguồn cung thực phẩm và sức khỏe" do Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Croplife Việt Nam, nhiều nhà khoa học nêu quan điểm rằng, để người tiêu dùng có cái nhìn đúng đắn, khoa học về công nghệ sinh học và thực phẩm biến đổi gen, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục thông tin, giáo dục và truyền thông.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp đánh giá, quản lý nguy cơ và rủi ro của cây trồng công nghệ sinh học đối với con người và môi trường. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống quản lý, sản xuất cây trồng công nghệ sinh học an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang