Công nghệ tài chính (Fintech): Cần khung tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ

author 14:02 22/06/2019

(VietQ.vn) - Dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý còn sơ khai… Thực tế, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ...

Từ năm 2008, công nghệ tài chính (Fintech) đã trở thành từ khóa “hot” trong giới tài chính thế giới. Không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính mà xu hướng này còn đem lại những ứng dụng sáng tạo và phát triển phương thức kinh doanh mới.

Thay đổi sâu sắc phương thức và mô hình kinh doanh

Đánh giá về mô hình tài chính thông minh này, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) – ĐHQGHN cho biết, Fintech đang phát triển nhanh và mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức và mô hình kinh doanh, cũng như tác động đến hành vi của các chủ thể tham gia thị trường (khách hàng, các nhà cung ứng dịch vụ khách hàng, các công ty cung cấp các dịch vụ bổ trợ, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan). Những thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường, và những thách thức đối với các tổ chức quản lý nhà nước về tài chính, tiền tệ và các tổ chức kinh doanh về: khuôn khổ pháp lý; bảo mật và an toàn thông tin; những đòi hỏi về công nghệ, tổ chức kinh doanh các dịch vụ tài chính.

Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. 

Nói về sự phát triển của Fintech hiện nay, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, Fintech là các mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có khả năng biến đổi ngành dịch vụ tài chính (IOSCO). Fintech có tác động lớn đến ngành dịch vụ tài chính vì làm thay đổi sâu sắc cấu trúc các sản phẩm tài chính, cấu trúc thị trường tài chính, hành vi khách hàng, mô hình kinh doanh. Đồng thời, tạo ra sự mới mẻ trong các mối quan hệ giữa: Nhà cung ứng dịch vụ (công ty Fintech hoặc Ngân hàng) – Khách hàng; Nhà cung ứng giải pháp (vendor) – Ngân hàng; Giữa các ngân hàng với nhau.

Tuy nhiên, Fintech cũng đem lại những rủi ro cho khách hàng và đối với các cơ quan giám sát. Với khách hàng sẽ là nguy cơ bị rò rỉ thông tin cá nhân, bảo mật thông tin tài chính. Còn với các ngân hàng và cơ quan giám sát, Fintech có thể sẽ mang lại rủi ro thay đổi chiến lược kinh doanh do công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới; Rủi ro hoạt động do phụ thuộc vào bên thứ 3 cung cấp các dịch vụ như dữ liệu; Rủi ro không gian mạng và rủi ro tuân thủ trong trường hợp ngân hàng không bảo vệ được quyền lợi khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng theo yêu cầu của khuôn khổ pháp lý; Rủi ro rửa tiền; Rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng với các sản phẩm Fintech.

Đối với việc phát triển Fintech, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đã có những chính sách cụ thể, riêng biệt để thúc đẩy hình thái này. Ở Việt Nam, chúng ta có tiềm năng phát triển Fintech rất lớn. Số lượng các công ty Fintech tăng gấp đôi lên gần 100 công ty (năm 2016 có 40 công ty), trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp. Dự báo giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Cần khung tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ

Ông Hà Huy Tuấn cho biết, dù có tiềm năng lớn nhưng tại Việt Nam mới chỉ khai phá Fintech ở mức độ thấp và khuôn khổ pháp lý cho Fintech còn sơ khai, chủ yếu là một số đề án mang tính vĩ mô và quy định về thanh toán như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo…

Tại Việt Nam hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ... 

Trên thực tế, hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ; Mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech; Bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân.

Ông Hà Huy Tuấn cho rằng, trước sự phát triển mạnh của Fintech và trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách mở để thúc đẩy mô hình này, Việt Nam cũng cần rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm nhất định.

Đơn cử, Việt Nam cần tiến hành một số hoạt động mang tính lâu dài như xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) - cơ chế cho phép các công ty Fintech startup được thí điểm/thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ trước khi cung ứng sản phẩm chính thức ra thị trường; Xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh đối với Fintech bao trùm các hoạt động dịch vụ Fintech, bảo vệ người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền…

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng trung ương và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của khung khổ pháp lý về Fintech; Phối hợp giữa cộng đồng Fintech trong nước và quốc tế.

Xu hướng Fintech và phương thức đầu tư trong thời đại 4.0(VietQ.vn) - Kể từ năm 2008, Fintech đã trở thành từ khóa “hot” trong giới tài chính thế giới. Không chỉ nâng cao khả năng tiếp cận tài chính mà xu hướng này còn đem lại những ứng dụng sáng tạo và phát triển phương thức kinh doanh mới.

Thanh Minh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang