Công nghiệp 4.0: 'Bệ phóng' nông nghiệp thông minh, phát triển bền vững

author 06:38 22/08/2018

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia, việc tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam có một nền nông nghiệp thông minh và bền vững.

Đầu tư KH&CN vào nông nghiệp còn hạn chế

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, nông nghiệp hiện là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Thống kê trong năm 2017, ngành nông nghiệp đã đóng góp hơn 15% tổng GDP cả nước (tăng gần 3% so với năm 2016) với nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Đến nay, cả nước có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại: Hậu Giang, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Bạc Liêu. Ngoài ra, có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND cấp tỉnh quyết định thành lập tại: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ.

Các địa phương cũng đã hỗ trợ xác lập, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 93 đặc sản nổi tiếng, gồm: Thanh long Bình Thuận, hoa Đà Lạt, cam Vinh, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, xoài cát Hòa Lộc...

Đặc biệt, Đề án 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 mới chỉ bắt đầu được ban hành từ năm 2016 nhưng đã tạo ra làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt là các start-up trẻ tuổi trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho hay, đóng góp của khoa học công nghệ vào nông nghiệp thời gian qua còn hạn chế. Ảnh: VietnamPlus

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, do một số tài nguyên trong nước đã đến giới hạn khai thác, nên Việt Nam đã chuyển sang sử dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong nông nghiệp. Thời gian gần đây, đóng góp của khoa học công nghệ vào nông nghiệp đạt khoảng 30% với nhiều cố gắng, nghiên cứu mới trong giống lúa, chăn nuôi, trái cây...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, so với các quốc gia khác, đóng góp của khoa học công nghệ vào nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Trung Quốc đạt khoảng 70-80%, Thái Lan 60%, nên vẫn còn có nhiều dư địa đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. 

Một trong những điều đáng quan tâm nhất là đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành xuất khẩu gần 40 tỷ USD, đứng thứ 16 về xuất khẩu nông sản.

Trong khi đó, đầu tư cho khoa học công nghệ vào nông nghiệp so với GDP chỉ chiếm 0,2%. Các nước xung quanh trung bình là 0,4%, có nước đã đến 1 – 2% như Thái Lan, Malaysia. Không những thế, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như biến đổi khí hậu, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, quản lý tài nguyên chưa bền vững, hệ thống quản lý chưa theo kịp với thị trường năng động...

Cần tận dụng triệt để cuộc cách mạng 4.0

Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang loay hoay ở những bước đi đầu tiên hướng tới ngành kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Để phát triển, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần xử lý nhiều nút thắt trong 20-25 năm tới.

Trong đó, cần tận dụng cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, thúc đẩy nghiên cứu, kế thừa, khai thác và ứng dụng những công nghệ mới và tiên tiến trên thế giới vào ngành nông nghiệp, thu hút khoa học công nghệ vào nông nghiệp bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn.

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Hoàng từ Đại học California Davis (Mỹ) cho rằng, để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, bền vững, cần tận dụng triệt để những ứng dụng, thành tựu, xu hướng mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, chú trọng tới việc thiết kế hệ sinh thái tri thức để xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.

Muốn có một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, Việt Nam cần phải tận dụng triệt để những lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: Bảo Lâm 

TS Nguyễn Hoàng nêu ví dụ, tại Mỹ hay Nhật Bản, sản xuất nông nghiệp có giá trị chất xám rất cao và chú trọng đầu tư nghiên cứu giống sạch bệnh cung cấp ra thị trường, từ đó đảm bảo chất lượng đầu ra nông sản. Các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp là cầu nối để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn ứng dụng tại doanh nghiệp.

Ông Hoàng nhận định rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn đầu trong cuộc đua nông nghiệp trên thế giới bởi nước ta có tiền đề rất tốt về phát triển nông nghiệp, cùng với đó nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được ban hành thời gian qua. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là Việt Nam phải tận dụng tốt Internet để kết nối cộng đồng những người làm nông nghiệp, điển hình như sáng kiến kết nối cộng đồng chuyên gia nông nghiệp Việt Nam toàn cầu (VietAgGlobal).

Đồng tình với quan điểm ứng dụng công nghệ để hình thành nền nông nghiệp thông minh trong xu hướng cách mạng 4.0, TS Nguyễn Kỳ Tài từ Đại học Southern Queensland (Australia) cho biết, hiện có nhiều ứng dụng phát triển nông nghiệp thông minh như robot trí tuệ nhân tạo, camera chuyên dụng đánh giá cây trồng, công nghệ IoT, blockchain…

Để nông nghiệp thông minh đạt kết quả, cần phải lựa chọn công nghệ hợp lý đạt để đạt giá trị tối ưu cho từng loại cây, từng doanh nghiệp và địa phương.

“Trước mắt là xúc tiến hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và chính quyền địa phương, sau đó mới chuyển giao công nghệ hoặc bán lại dịch vụ cho nông dân”, TS Nguyễn Kì Tài nhấn mạnh.

Bảo Lâm

Thủ tướng mong muốn Tây Ninh là hình mẫu làm giàu bằng nông nghiệp(VietQ.vn) - Sáng 21/8, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tỉnh Tây Ninh phải trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước; một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang