Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là đầu tàu 'kéo' tăng trưởng kinh tế

author 15:10 21/10/2020

Công nghiệp chế biến - chế tạo trong các ngành sản xuất thiết bị điện tử, máy tính, điện thoại di động, sản xuất và lắp ráp ô tô vẫn sẽ là động lực cho tăng trưởng khu vực công nghiệp nói riêng và cho tăng trưởng kinh tế nói chung, theo PGS-TS. Tô Trung Thành.

Trong 3 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức lớn khi dịch bệnh vẫn lây lan trên toàn cầu, còn nền kinh tế trong nước dần bộc lộ những điểm yếu như phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI.

PV đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,12% sau 9 tháng của năm 2020 nhờ sự đóng góp lớn của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Vậy số liệu này thể hiện điều gì?

PGS-TS. Tô Trung Thành: Điều này vẫn cho thấy vai trò của công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Đồng thời phản ánh vai trò quan trọng và đầu tàu của khu vực FDI trong nền kinh tế.

Dù đây là mức tăng thấp nhất nếu so sánh mỗi 9 tháng đầu năm trong vòng một thập kỷ qua, do tác động của việc gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế - cả thượng nguồn và hạ nguồn, nhưng đây là những con số thống kê khả quan hơn hầu hết các nước trong khu vực.

Điều này cũng hàm ý lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đang và sẽ tiếp tục là đầu tầu cho tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đã gặp vấn đề khi các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu bị ngưng trệ vì dịch bệnh.

Ông đánh giá như thế nào về rủi ro này khi Chính phủ dự báo dịch sẽ kéo dài sang năm 2021?

PGS-TS. Tô Trung Thành: Ngành chế biến chế tạo, đặc biệt những ngành đóng góp lớn vào xuất khẩu và tăng trưởng nền kinh tế như dệt may, giầy da, điện tử, lắp ráp ô tô… đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

PGS-TS. Tô Trung Thành. Ảnh: Internet.

Đây là ngành tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi chủ yếu nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 30% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó chủ yếu là nhập đầu vào sản xuất và máy móc thiết bị.

Cụ thể nhập đầu công nghệ; máy móc thiết bị; điện tử điện thoại linh kiện từ Trung Quốc lần lượt chiếm đến 34,16%; 38,62% và 29,8% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tương ứng trong năm 2019. Việt Nam cũng nhập khẩu máy vi tính, linh kiện điện từ Hàn Quốc chiếm thị phần cao nhất gần 35%. Việc hạn chế giao thương với các đối tác lớn này, đồng thời sản xuất tại các nước này cũng bị đình trệ, dẫn đến sư dứt đoạn trong quá trình sản xuất trong chuỗi giá trị tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thượng nguồn của chuỗi giá trị mà Việt Nam tham gia là Mỹ và EU cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khiến cho việc xuất khẩu sang các thị trường cũng trở nên khó khăn, thậm chí là suy giảm. Như vậy, cả thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi giá trị Việt Nam tham gia đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, hiện dịch COVID-19 tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần được kiểm soát. Có thể nói các quốc gia này đã bước qua đỉnh dịch nên nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đang được phục hồi dần. Vấn đề hiện nay và thời gian tới lại là vấn đề thị tường tiêu thụ cho các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo tại các quốc gia Mỹ và châu Âu, khi dịch COVID-19 được dự đoán còn diễn biến phức tạp.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn của kinh tế Việt Nam vào đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rủi ro gì trong tương lai?

PGS-TS. Tô Trung Thành: Doanh nghiệp FDI hiện đang là đầu tàu của nền kinh tế. Sự lấn lướt của khu vực này so với các doanh nghiệp (DN) trong nước bởi khu vực này hiện đang được hưởng rất nhiều ưu đãi lớn, từ việc trải thảm đỏ thu hút đầu tư FDI ở các địa phương, "phớt lờ" những tiêu chuẩn về môi trường, cho đến những ưu đãi về thuế, điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh những ưu đãi về cơ chế, khu vực này còn tận dụng được những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như nguồn tài nguyên dồi dào, lao động trẻ, tiền lương thấp… Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp FDI có năng lực tốt hơn các DN trong nước về tài chính, công nghệ, quản trị.

Ngoài ra còn cần kể đến xu hướng xác lập chuỗi sản xuất Đông Á của các công ty đa quốc gia, trong đó xây dựng Việt Nam là điểm cuối của chuỗi trước khi xuất các sản phầm sang Mỹ, Nhật Bản hay EU, theo đó cũng làm gia tăng đáng kể sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, sau nhiều năm tham gia vào nền kinh tế, các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành khai thác tài nguyên, gia công tận dụng lao động giá rẻ, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, về cơ bản là sản xuất gia công. Tương tự như "bẫy thu nhập trung bình", "bẫy giá trị thấp" xuất hiện khi không có cách nào để cải thiện tình trạng dưới đáy của chuỗi giá trị. Việt Nam có thể đã bước chân và lún khá sâu vào chiếc bẫy này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam khi những lợi thế về chính sách và nhân công giá rẻ của Việt Nam không còn nữa. Trong khi khu vực DN FDI phát triển mạnh mẽ bằng những ưu đãi về chính sách thì khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (31% GDP), doanh nghiệp tư nhân thì đóng góp còn rất nhỏ bé (8% GDP).

Khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân) ngoài việc bị khu vực kinh tế Nhà nước và FDI chèn lấn, mà còn chèn lấn lẫn nhau. Không thiếu các doanh nghiệp Việt Nam đều dính dáng tới vấn đề lợi ích thân hữu khiến sân chơi chung bị làm méo mó.

Ngoài ra, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng như sự thiếu vắng lực lượng lao động trình độ cao làm giảm khả năng hấp thụ những tiến bộ công nghệ.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp FDI là một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng những quy định về môi trường lỏng lẻo để di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam.

Với nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của khu vực FDI (ví dụ Formosa), hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đã có những thay đổi nhất định về tư duy và có những quy định khắt khe hơn trong thu hút FDI, để hướng FDI vào những ngành tạo giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.

Luật Bảo vệ Môi trường 2014 cũng đã có những điều khoản liên quan đến đánh giá tác động môi trường phù hợp hơn với luật pháp quốc tế với những tiêu chí đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, trong đó có FDI. Có thể nói, trong thời gian tới các vấn đề liên quan đến môi trường sẽ được tính toán và cân nhắc cẩn trọng hơn khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư FDI.

Tuy nhiên, tôi cho rằng việc thực thi vẫn gặp khó khăn do một số nguyên nhân. Thứ nhất, năng lực thực thi các quy định về bảo vệ môi trường còn kém.

Thứ hai, việc phân cấp cho địa phương vẫn khiến các địa phương thu hút FDI bằng những quy định dễ dãi về môi trường, đó là chưa kể năng lực thẩm định vấn đề về môi trường các dự án FDI tại các địa phương còn thấp.

Doanh nghiệp FDI hiện đang là đầu tàu của nền kinh tế. Ảnh: Phong Cầm.

Thứ ba, năng lực khoa học công nghệ thấp, thiếu công nghiệp phụ trợ, lao động năng suất thấp… vẫn là những cản trở chính trong việc chinh phục khu vực FDI vào các ngành có giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường.

Ông đề xuất giải pháp gì nhằm tháo gỡ những rào cản trên?

PGS-TS. Tô Trung Thành: Về cơ cấu kinh tế, những năm gần đây, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, khu vực Nhà nước khoảng 30% và còn lại hơn 40% là khu vực tư nhân. Dưới tác động của Covid-19, khu vực FDI bị ảnh hưởng nặng nề khi các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi hạ nguồn và thượng nguồn của chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, khu vực này cũng chịu ảnh hưởng bởi diễn biến dịch bệnh thế giới nên chắc chắn còn diễn biến rất phức tạp. Dịch COVID-19 sẽ còn làm gia tăng xu hướng bảo hộ và chống toàn cầu hóa trong vài năm gần đây. Theo đó, khu vực này khó trở thành đầu tầu để kéo nền kinh tế hồi phục nhanh dù là đầu tầu tăng trưởng nhiều năm gần đây. Khu vực Nhà nước thì chủ yếu là các doanh nghiệp lớn.

Số liệu thống kê cho thấy ở khu vực doanh nghiệp, mặc dù doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng số doanh nghiệp nhưng DN quy mô lớn chiến đến khoảng 72% tổng số DNNN. Những DN lớn cũng bị tác động nặng nề bởi Covid-19, trong khi khả năng linh hoạt thích ứng với các điều kiện khó khăn thì kém hơn các khu vực khác, theo đó, khả năng phục hồi cũng sẽ chậm hơn.

Trong khi đó, khu vực tư nhân đóng góp lớn nhất đến GDP, gồm phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị cá thể, hộ kinh doanh gia đình... với quy mô rất nhỏ, lại là khu vực linh hoạt hơn để thích ứng với những cú sốc.

Đồng thời, khu vực này lại ít tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như các DN lớn và DN thuộc khu vực FDI; nên nếu dịch chấm dứt ở Việt Nam cũng sẽ ít lệ thuộc vào tình hình dịch bệnh phức tạp của thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung tạo điều kiện tốt hơn về cơ chế, tài chính, môi trường kinh doanh, chính sách phát triển..... để thúc đẩy sự hồi phục nhanh chóng của khu vực tư nhân, đặc biệt là các DNNVV và các hộ kinh doanh cá thể.

Sự hồi phục nhanh chóng của khu vực cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trở lại thu nhập của đại đa số người lao động của nền kinh tế (khu vực kinh tế ngoài nhà nước tạo 85% việc làm của cả nước), theo đó sẽ gia tăng được cầu của nền kinh tế.

Trước đó, trong giai đoạn dịch bệnh, cần phải đảm bảo những thành viên yếu thế và dễ bị tổn thương này còn sức để tồn tại để bắt đầu chu trình hồi phục sau này. Vì vậy, cần nhanh chóng thực thi ngay và có cam kết mạnh mẽ với các giải pháp hỗ trợ hiện nay cho khu vực này, đặc biệt là hỗ trợ khả năng thanh khoản của doanh nghiệp thông qua các giải pháp tiền tệ và tài khoá.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nhà đầu tư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang