Công nghiệp chế biến tiếp tục ‘hút’ vốn FDI trong 7 tháng năm 2019

author 17:14 29/07/2019

(VietQ.vn) - Trong 7 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn và ngành kinh doanh bất động sản đạt 716,1 triệu USD, chiếm 16,3%.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2019, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 11,698 tỷ USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ và tổng vốn thực hiện ước tính đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 2.064 dự án được cấp phép mới, vốn đăng ký đạt 8,27 tỷ USD, tăng 24,6% về số dự án và giảm 37,4% về vốn so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 791 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng thêm đạt 3.425,6 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6,1 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn. Sau đó là ngành kinh doanh bất động sản đạt 842,7 triệu USD, chiếm 10,2%, các ngành còn lại đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 16,6%.

Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt 11,698 tỷ USD. Ảnh minh họa

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã được cấp phép, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn và ngành kinh doanh bất động sản đạt 716,1 triệu USD, chiếm 6,1%, các ngành còn lại đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 16,3%.

Trong 7 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài tham gia 4.387 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 8,52 tỷ USD, tăng 77,8% so với cùng kỳ; trong đó vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 63,2% tổng giá trị góp vốn và ngành kinh doanh bất động sản đạt 754,8 triệu USD, chiếm 8,9%, các ngành còn lại đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 27,9%.

Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1,8 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Hàn Quốc 1,5 tỷ USD, chiếm 17,8% và Nhật Bản 1,1 tỷ USD, chiếm 13,6%, ngoài ra Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là 991,6 triệu USD, chiếm 12%.

Bên cạnh đó, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong bảy tháng có 90 dự án được cấp mới giấy chứng nhận với tổng vốn là 180,1 triệu USD và 21 dự án điều chỉnh vốn tăng thêm là 97,3 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 277,4 triệu USD.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang