Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài

author 21:43 14/09/2014

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước không nổi bật như các doanh nghiệp nước ngoài, mà chỉ sản xuất những chi tiết còn đơn giản, sản phẩm thô cung cấp cho các doanh nghiệp hỗ trợ nước ngoài. Nói cách khác là “hỗ trợ của hỗ trợ.”

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Phát triển chưa xứng tầm tại những vùng kinh tế trọng điểm

Mặc dù vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh...) được coi là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng các ngành công nghiệp công nghệ cao ở khu vực này mới bắt đầu được hình thành.

Điều này khiến cho thị trường sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ là nhà hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nước ngoài.

Theo khảo sát năm 2013 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm so với nhu cầu.

Tỷ lệ số lượng các nhà cung ứng trên các doanh nghiệp lắp ráp hạ nguồn tại ba địa phương này chỉ là 2,07, trong đó thấp nhất là ngành cơ khí (1,7) và cao nhất là ngành ôtô (5,0), trong khi tỷ lệ này đối với ngành điện tử của Thái Lan là khoảng hơn 50.

Trong khi đó, để nâng cao sức cạnh tranh, cắt giảm chi phí, nhu cầu mua các bộ phận, linh kiện với giá rẻ từ các doanh nghiệp cung ứng trong nước, thay vì phải nhập khẩu là rất lớn.

Qua theo dõi trực tiếp các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp, ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho rằng các doanh nghiệp FDI có trình độ chuyên môn hóa và phân công lao động trong công nghiệp rất chuyên sâu. Họ có sẵn nguồn tiêu thụ rộng lớn, mối liên kết dọc giữa nhà sản xuất với nhà cung ứng đầu vào và những nhà sản xuất sử dụng sản phẩm rất chặt chẽ.

Cái hay của họ không chỉ về kỹ thuật mà trong cả liên kết tạo chuỗi sản xuất, trong đó mỗi doanh nghiệp là một mắt xích trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế nên vẫn chưa tạo được sự lan tỏa sang lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước nằm trong khu công nghiệp không nổi bật như các doanh nghiệp nước ngoài, mà chỉ sản xuất những chi tiết còn đơn giản, sản xuất sản phẩm thô cung cấp cho các doanh nghiệp hỗ trợ hay còn gọi là “hỗ trợ của hỗ trợ.”

Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn của vùng, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đang phát triển ở mức yếu. Số liệu từ Ban quản lý các khu công nghiệp- khu chế xuất Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 371 doanh nghiệp trong nước sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chiếm hơn 47% các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tại khu chế xuất-khu công nghiệp trên địa bàn, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho các ngành cơ khí, dệt may, bao bì...

Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước có giá trị gia tăng thấp và hầu hết chưa tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu nên khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng kém, giá thành sản phẩm cao, do đó chưa đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

 

Doanh nghiệp hỗ trợ Việt nam đang hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài

Ngành Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam hiện nay được đánh giá là không sản xuất được những linh kiện đơn giản như Sạc pin điện thoại. Ảnh HG

Trong khi đó, có đến 261 doanh nghiệp FDI thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm gần 53% tổng doanh nghiệp FDI hoạt động tại khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ôtô... Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm chỉ đạt khoảng 30%.

Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý khu chế xuất- khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Nhìn chung, Việt Nam đã có các chính sách tăng cường liên kết doanh nghiệp thông qua các khu, cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ tài chính, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Vì thế, điều cốt yếu hiện nay là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, khả năng ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Đại hội XI - kim chỉ nam phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo tinh thần Đại hội XI, công nghiệp hỗ trợ được xác định là khâu đột phá để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa. Để có thể phát triển mạnh ngành này, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, đẩy mạnh việc hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Khâu đột phá đầu tiên để phát triển ngành này phải được thực hiện trên cơ sở hoàn thiện lại quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó từng ngành, từng lĩnh vực phải rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của ngành mình theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó” và đề ra tiến độ cụ thể việc nội địa hóa cho từng sản phẩm, từng chi tiết. Để đảm bảo việc thực hiện được quy hoạch này, Nhà nước cần đầu tư có trọng điểm về mặt tài chính, công nghệ, nhân lực để tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa các ngành như cơ khí chế tạo, điện tử, nhựa, cao su... đó là những ngành chủ chốt trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ.      

Hai là, đổi mới các chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Muốn ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhanh và bền vững thì Nhà nước phải coi đây là một ngành quan trọng, cần được sự quan tâm đúng mức và phải có những chính sách khuyến khích đủ mạnh để công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong đó, việc đổi mới các chính sách ưu đãi dành cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ là hết sức cần thiết.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Muốn đặt ra mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh và hoạt động có hiệu quả trong tương lai thì vấn đề căn bản nhất đặt ra là đó phải là một ngành công nghiệp có thiết bị, công nghệ tiến tiến, hiện đại. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực cũng phải được không ngừng nâng cao. Để thực hiện được điều này, ngành giáo dục và các ngành có liên quan phải đào tạo cho được những kỹ sư có đủ trình độ về kỹ thuật thực hành và thực tiễn, trang bị cho họ kiến thức cần thiết về công nghệ hiện đại; mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Đồng thời, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, từ các trường đại học cho đến các trường nghề để từng bước nâng dần chất lượng của những người lao động trong tương lai. Ngoài ra, Nhà nước cũng dành một phần ngân sách thỏa đáng để cử người đi đào tạo ở những quốc gia có truyền thống mạnh về phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của nước ta trong những năm tiếp theo.

Bốn là, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước với nhau cũng như giữa các DN trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ. Thông qua đó làm cầu nối cho các DN trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm hỗ trợ.

Đây là cách thức rất hiệu quả để các DN trong nước có thể tạo thêm bạn hàng mới, mở rộng thị trường, tiếp cận được các công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm hỗ trợ của mình. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài có thể giảm được chi phí nhập khẩu qua đó giảm được giá thành sản phẩm và cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài.

Năm là, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho công nghiệp phụ trợ phát triển.

Hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong những giải pháp hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Việc hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ góp phần giảm bớt chi phí cho các nhà đầu tư, giúp cho hàng hóa của họ (linh kiện, vật tư, phụ tùng...) thuận lợi hơn trong việc lưu thông cả ở thị trường trong và ngoài nước.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang