Công nhân lao động bức xúc lương, thưởng

author 14:10 25/01/2014

Tình trạng các DN tư nhân và FDI tuyên bố giải thể mỗi dịp cuối năm, né trả lương, trả thưởng cho CNLĐ là một vấn đề bức xúc mới nảy sinh trong một vài năm trở lại đây. Để khắc phục tình trạng này, PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện CN-CĐ - đề xuất, cần luật hóa việc trả lương, trả thưởng cho CNLĐ.

  Ông Thọ cũng cho rằng, tổ chức CĐ trong những năm qua đã làm tốt vai trò bảo vệ NLĐ; nhưng nay, với những vấn đề bức xúc mới nảy sinh, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ.

“Chiêu bài” giải thể để né trả lương, trả thưởng

Theo nghiên cứu của Viện CN-CĐ, thu nhập trung bình của NLĐ chỉ đạt 3,667 triệu/tháng. Tuy nhiên, ông Vũ Quang Thọ - viện trưởng - nhấn mạnh: “Số liệu đó được tổng hợp trong số những người có việc làm ổn định chứ không bao gồm những người lao động thời vụ, bấp bênh”.

Thu nhập bấp bênh, có tới 90% công nhân tại TP.HCM không về quê ăn tết

Nghiên cứu của PGS-TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học VN - cũng chỉ ra thu nhập của các DN có vốn đầu tư nước ngoài so với các DN tư nhân ngoài nhà nước có cao hơn nhưng lại tiềm ẩn sự rủi ro, bấp bênh hơn do nhiều DN có tình trạng sản xuất không ổn định, bị cắt xén đơn đặt hàng, nhiều DN phải đóng cửa; nhiều CN bị sa thải, nghỉ việc không lương, hoặc chỉ hưởng 50% lương. Cụ thể như Cty Keyshing Toys (100% vốn Đài Loan tại KCN Hòa Khánh - Đà Nẵng), năm 2008 có 12.000 CN, đến tháng 9.2009 chỉ còn 8.500 CN; Cty Nissel khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới đã quyết định cho 1.000 CN nghỉ việc không lương...

Thực tế cho thấy, các vụ lãn công đều do DN đơn phương cắt lương, cắt phụ cấp; trả lương cơ bản không đúng với thang - bảng lương đã đăng ký; chậm điều chỉnh mức lương cơ bản giữa lao động cũ và mới; trả lương không công bằng, minh bạch...; thậm chí có DN không có quy chế tiền lương. Bên cạnh đó, lương, thưởng tết cũng là vấn đề bức xúc không hề nhỏ đối với đại bộ phận CNLĐ.

Cũng theo ông Vũ Quang Thọ, rất nhiều DN tư nhân và FDI cứ đến cuối năm là lại dùng “chiêu bài” giải thể để né việc trả lương, trả thưởng cho CNLĐ. Đó là còn chưa nói đến việc có sự chênh lệch quá lớn về lương, thưởng giữa các DN với nhau, giữa những NLĐ trong một DN. Theo số liệu mà Viện CN-CĐ có được, thưởng tết năm nay ở miền Bắc có mức từ 100.000đ - 65 triệu đồng; con số này ở miền Nam là 200.000đ - 703 triệu đồng.

Không đủ sống và không được tham gia BHXH

Hiện cả nước có khoảng 1,9 triệu LĐ đang làm việc tại các KCN, trong đó, 70% là người ngoại tỉnh và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng hiện tại, các KCN mới chỉ đáp ứng được khoảng 7-10%, trên 90% số LĐ còn lại vẫn phải thuê nhà trọ của các hộ dân với mức chi phí không hề nhỏ bởi điện, nước... đều phải trả phí cao hơn mức bình thường.

Bên cạnh đó, mong muốn được gửi con vào các trường mầm non công lập là nhu cầu chính đáng của nhiều CNLĐ trong các KCN, nhưng theo nghiên cứu nói trên thì có tới 81,1% số CN khó khăn khi gửi con nhà trẻ, mẫu giáo khi không có hộ khẩu thường trú và 86% phải chạy vạy, chi phí tốn kém để cho con vào trường công lập.

Đó là khó khăn trước mắt; nhưng có những thiệt thòi trong tương lai mà rất nhiều NLĐ đang và sẽ có nguy cơ phải gánh chịu: Đó là tình trạng trốn BHXH, BHYT, BHTN của khá nhiều DN trong cả nước. Theo số liệu đăng trên báo BHXH VN, tính đến ngày 31.8, hàng trăm DN trên các địa bàn Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Nội... có số nợ BHXH từ 1 tỉ đồng trở lên. Trong đó, Hà Nội có số nợ lớn nhất với tổng số nợ của 125 đơn vị lên tới 3.582 tháng cùng số tiền 404,423 tỉ đồng. Tiếp theo là Bình Dương, 75,247 tỉ đồng (của 20 đơn vị và 505 tháng)...

Theo TS Nguyễn Thị Anh Thơ - Viện Khoa học BHXH VN - có 4 hành vi nợ BHXH phổ biến của người sử dụng LĐ: Không đóng BHXH cho NLĐ; có tham gia đóng BHXH nhưng chỉ cho một bộ phận NLĐ; có tham gia đóng BHXH cho NLĐ nhưng chỉ ở mức lương tối thiểu và có tham gia đóng BHXH cho NLĐ nhưng giữ lại, chiếm dụng vốn.

“Điều quan trọng là cho dù không đóng BHXH hay có đóng cho NLĐ, nhưng với những hình thức như trên thì NLĐ vẫn là người phải chịu thiệt thòi. “Đây cũng là kẽ hở của luật pháp. Cần nghiên cứu bổ sung tội danh trốn đóng BHXH trong Bộ luật Hình sự để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật về đóng BHXH... Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống cho NLĐ..., hướng tới một nền an sinh xã hội bền vững” - bà Anh Thơ bổ sung.

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang