Công nhân vừa ăn vừa lo ngộ độc

author 06:23 23/07/2013

Bữa ăn của công nhân tại các nhà máy, với giá từ 7.000-12.000 đồng/suất đang không chỉ thiếu chất trầm trọng mà còn đe dọa sức khỏe, tính mạng người lao động bởi nguy cơ gây ngộ độc tập thể. Tuy nhiên, việc xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động lại rất khó.

Hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong thời gian qua như tình trạng ngộ độc tại các bếp ăn tập thể, tương ớt chứa chất phẩm màu độc hại, sản xuất dầu ăn trộn lốp xe hay sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng… đã được lãnh đạo Cục ATTP - Bộ Y tế trao đổi với báo chí chiều 18-7.

Ngộ độc tại bếp ăn tập thể

 Bữa ăn của công nhân tại các nhà máy, với giá từ 7.000-12.000 đồng/suất đang không chỉ thiếu chất trầm trọng mà còn đe dọa sức khỏe, tính mạng người lao động bởi nguy cơ gây ngộ độc tập thể. Tuy nhiên, việc xử phạt các doanh nghiệp sử dụng lao động lại rất khó.
Vụ ngộ độc thực phẩm của hơn 230 công nhân Công ty may Foremart ở thị trấn Ân Thi, Hưng Yên ngày 10-7-2013, là cảnh báo về chất lượng các bữa ăn của công nhân trong khu công nghiệp
Theo số liệu của Cục ATTP, tính đến ngày 30-6, toàn quốc ghi nhận có 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.856 người mắc, 1.649 người đi viện và 18 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ, số mắc giảm 620 người, số đi viện giảm 275 người và số tử vong giảm 4 người. Chỉ tính riêng số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được ghi nhận đến ngày 15-5 thì cả nước đã xảy ra 6 vụ với 441 người mắc và 401 người đi viện, tại 6 tỉnh, thành, không xảy ra tử vong. Một tháng trở lại đây tiếp tục xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể quy mô lớn, đặc biệt là vụ việc vừa xảy ra tại bếp ăn tập thể của Công ty May Foremart (Ân Thi, Hưng Yên) sau bữa cơm trưa ngày 9-7, khiến hơn 230 người ngộ độc…

Một vấn đề hết sức đáng lo ngại nữa là bữa ăn của công nhân tại các nhà máy đang thiếu chất trầm trọng. TS. Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP cho biết, qua kiểm tra, nhiều công nhân ở các nhà máy chỉ được cung cấp suất ăn có trị giá từ 7.000-12.000 đồng. Bữa ăn như vậy thì không thể đủ chất để tái tạo năng lượng. Tuy nhiên, việc xử phạt các doanh nghiệp này là rất khó bởi đa số các doanh nghiệp đã có thỏa thuận với công nhân từ trước về số tiền ăn mà họ hỗ trợ, trong khi bản thân nhiều công nhân cũng không muốn bữa ăn nhiều tiền hơn vì sợ tốn kém. Không chỉ ở nhà máy mà khi đã về xóm trọ, rất nhiều công nhân nữ cũng tiết kiệm tối đa tiền ăn, dẫn đến tình trạng thiếu chất, nguy hiểm cho sức khỏe.

“Loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng


Về vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN), ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, dù đã chấn chỉnh rất nhiều song thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trong quảng cáo TPCN vẫn diễn ra nghiêm trọng. Cục ATTP khẳng định nội dung quảng cáo của các sản phẩm TPCN đã được Cục thẩm định, cấp phép thì đều đảm bảo chính xác, tuy nhiên rất nhiều doanh nghiệp vẫn in ấn, phát tán những nội dung quảng cáo chưa được thẩm định hoặc quá nội dung được cấp phép. Chỉ tính riêng trong tuần trước từ ngày 8 đến 14-7, Cục ATTP đã xử lý đến 9 cơ sở có sản phẩm TPCN vi phạm về quảng cáo như quảng cáo không đúng, quảng cáo quá mức cho phép, quảng cáo có nội dung liên quan đến người cai nghiện ma túy. Việc quảng cáo này còn tràn ngập trên các trang mạng và rất khó quản lý…

Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều quảng cáo sản phẩm nói chung, TPCN nói riêng vi phạm cả những giá trị được coi là thuần phong mỹ tục của Việt Nam. “Tôi không hiểu do cuộc sống hiện đại áp lực nhiều, stress nhiều dẫn đến sinh lý của nam giới suy giảm hay thế nào mà số sản phẩm quảng cáo giúp cải thiện khả năng sinh lý ngày càng nhiều. Thậm chí có sản phẩm còn quảng cáo có tác dụng giúp “giao hợp không mệt mỏi” - nội dung này thì không cơ quan nào thẩm định, cho phép họ quảng cáo cả” - ông Phong chia sẻ. Cũng theo ông Phong, để giải quyết được vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt hơn nữa của nhiều ngành chức năng chứ riêng ngành y tế thì không thể làm được.

Sản xuất dầu ăn bằng lốp xe

Liên quan đến thông tin 1 cơ sở ép dầu ăn ở tỉnh Quảng Nam trộn lốp xe vào lạc để ép dầu, TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị Sở Y tế và Chi cục ATTP tỉnh Quảng Nam kiểm tra. Theo đó, vào đầu tháng 7, nhiều người dân ở xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) phát hiện một cơ sở sản xuất trong xã cắt nhỏ lốp xe đạp, xe máy bỏ chung với lạc vào máy để ép thành dầu ăn nhằm mục đích cho máy chạy nhanh hơn, đỡ tốn điện. Nhiều người dân mua loại dầu này đem về nhà ăn thì thấy xuất hiện nhiều váng đen, khử lên có mùi khét. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ở địa phương bước đầu xác định thông tin này là đúng sự thật.

TS. Nguyễn Thanh Phong khẳng định, qua kiểm tra, Cục ATTP xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật về ATTP rất nghiêm trọng vì: trang thiết bị sản xuất thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; chất hỗ trợ chế biến (lốp xe) không nằm trong danh mục cho phép chế biến thực phẩm. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, người tiêu dùng ăn phải loại dầu ăn được chế biến bằng “công nghệ” này thì chắc chắn bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, còn mức độ ảnh hưởng tới đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có nghiên cứu dài hơi mới xác định được…
 
Theo An ninh Thủ đô
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang