Công tác đào tạo nhân lực trong doanh nghiệp Việt Nam

author 11:37 14/10/2014

(VietQ.vn) - Năng suất lao động tại Việt Nam thấp hơn 10-20 lần so với mức trung bình của các nước phát triển. Nguyên nhân này một phần là do doanh nghiệp chưa chú trọng đào tạo nhân lực.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Qua một thời gian dài, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp được xem như “chi phí” chứ không phải là “đầu tư”. Tuy nhiên, đến hôm nay, số lượng doanh nghiệp nhìn nhận được “đào tạo là đầu tư” đã có phần gia tăng đáng kể, và đang có cái nhìn tích cực về việc quản trị nguồn nhân lực, xem nhân lực là nguồn lực quan trọng trong hoạt động kinh doanh sản xuất.

Tuy nhiên, xem ra đa phần các doanh nghiệp vẫn chưa đánh giá đúng những hiệu quả do đào tạo mang đến, do đó vẫn chưa thực sự xem đào tạo là một giải pháp nâng cao năng lực nhân viên nhằm phát triển doanh nghiệp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhận định này:
Doanh nghiệp xác định nhu cầu đào tạo cho cán bộ nhân viên của mình chưa phù hợp với các yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, cũng như với sự phát triển của cán bộ nhân viên.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đến hiệu quả của đào tạo, việc lên kế hoạch và triển khai các chương trình đào tạo như là một giải pháp đối phó, chạy theo chỉ tiêu số lượt đào tạo, cũng như phải sử dụng cho hết kinh phí đào tạo đã được duyệt.

Doanh nghiệp đánh giá, chọn lựa đối tác cung cấp dịch vụ đào tạo chưa phù hợp, do chưa xác định được nhu cầu đào tạo là cần được cung cấp các kiến thức mang tính lý thuyết, học thuật hay muốn có được các kiến thức, kỹ năng mang tính ứng dụng.

Các trường, trung tâm đào tạo chỉ tập trung vào đào tạo, mà không thực hiện đúng qui trình đào tạo: xác định nhu cầu, đào tạo, đánh giá sau đào tạo.
Ngoài ra, các Trường, trung tâm đào tạo chưa làm tốt công tác đánh giá nhu cầu đào tạo cho doanh nghiệp. Khi cung ứng dịch vụ đào tạo, thường cung cấp các chương trình đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, thiếu xác minh, phản hồi, tư vấn cho doanh nghiệp, hay nói khác đi, một số Trường, trung tâm chưa có được tính chuyên nghiệp trong lãnh vực hoạt động của mình.

Công tác đào tạo nhân lực trong doanh nghiệp giúp người lao động có kỹ năng và sáng tạo trong công việc

Công tác đào tạo nhân lực trong doanh nghiệp giúp người lao động có kỹ năng và sáng tạo trong công việc. Ảnh minh họa

Chưa thực hiện chương trình đánh giá hiệu quả sau đào tạo, giữa doanh nghiệp và các Trường, trung tâm đào tạo, từ đó doanh nghiệp không xác định được các hiệu quả mang lại sau đào tạo, cũng như không có được kế hoạch đào tạo bổ sung tiếp theo, nhằm phát huy tối đa năng lực của cán bộ nhân viên.

Các Trường, trung tâm chiêu sinh thiếu chọn lọc, không đúng đối tượng khóa học.
Trình độ nhân viên tư vấn đào tạo của các Trường, trung tâm cũnh như của cán bộ phụ trách công tác đào tạo của doanh nghiệp còn yếu, chưa có được kỹ năng, phương pháp đánh giá nhu cầu đào tạo, cũng như thiếu trình độ, kỹ năng tư vấn đào tạo.

Cũng do không thực hiện đánh giá nhu cầu đào tạo trước đào tạo, nên Trường, trung tâm không xác định được với doanh nghiệp những yếu tố ngoài đào tạo có ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của cán bộ nhân viên của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng sau đào tạo, doanh nghiệp không hài lòng, nhưng không hiểu là nguyên nhân chủ yếu không phải do chương trình đào tạo kém hiệu quả, mà do chính doanh nghiệp chưa tạo điều kiện, chưa giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp với cán bộ nhân viên của mình. Lý do này cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp cho rằng đào tạo là chi phí chứ không phải là đầu tư, và vẩn còn những suy nghĩ cho rằng đào tạo sẽ lãng phí khi một số cán bộ nhân viên của mình rời bỏ doanh nghiệp, sau khi đã được đào tạo, mà không nhìn thấy trách nhiệm của doanh nghiệp.

Do đó, để giúp doanh nghiệp đánh giá đúng tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác đào tạo với sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó xem đào tạo là đầu tư lâu dài và bền vững, cần giải quyết cho được các vấn đề nêu trên:

Các Trường, trung tâm đào tạo cần đề nghị doanh nghiệp phối hợp tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo, trước khi cung cấp chương trình đào tạo cho doanh nghiệp, để xác định chính xác khoảng cách cần đào tạo, cho cán bộ, nhân viên doanh nghiệp, cũng như giúp doanh nghiệp nhìn ra được các yếu tố ngoài đào tạo cần bổ sung, điều chỉnh trong công tác quản lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ nhân viên.

Trong quá trình đào tạo, ngoài việc cung cấp các kiến thức cần thiết, giảng viên còn có nhiệm vụ hướng dẫn cho học viên các phương pháp để áp dụng các kiến thức này vào công việc thực tế. Quá trình đào tạo hiện nay không thể là đào tạo thuần túy, mà là đào tạo + tư vấn, có như thế tính ứng dụng sẽ cao, phù hợp với trình độ cán bộ nhân viên hiện nay, cũng như đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp.

Sau đào tạo, cần có kế hoạch ứng dụng cụ thể, thực tế cho học viên, với sự hỗ trợ, quan tâm của doanh nghiệp; căn cứ vào đó, Trường, trung tâm phối hợp với doanh nghiệp đánh giá hiệu quả sau đào tạo của chương trình đào tạo đã thực hiện. Sau đánh giá, doanh nghiệp sẽ biết được năng lực của cán bộ nhân viên, cũng như xác định được những gì cần bổ sung, bồi dưỡng thêm cho cán bộ nhân viên. Ngoài ra, việc này cũng giúp cho doanh nghiệp đánh giá đúng năng lực, chất lượng đào tạo của các Trường, trung tâm cung ứng dịch vụ.

Duy Trung


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang