Công tơ điện tử giúp tăng năng suất, chất lượng dịch vụ ngành điện

author 14:57 27/06/2015

(VietQ.vn) - Theo thí điểm, sử dụng công tơ điện tử vào công tác kinh doanh bán điện cho khách hàng giúp các công ty điện lực nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý giám sát và chất lượng dịch vụ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Nhiều công đoạn trong sản xuất, kinh doanh điện vẫn còn khá thô sơ, tốn nhiều nhân công là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của ngành điện Việt Nam hiện chỉ bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia và thậm chí chỉ bằng 10% của Singgapore. Công việc ghi chỉ số, sửa chữa công-tơ điện thường phải cần tới một cái thang và ít nhất là 2 công nhân thực hiện là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp so với mặt bằng chung các nước. Việc áp dụng thay thế công tơ cơ thành công tơ điện sẽ giúp tăng năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý giám sát.

Tại Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), nơi có tỉ lệ số hộ sử dụng điện nông thôn lớn nhất cả nước, năng suất lao động dù được đánh giá cao so cùng kỳ, vẫn mới đạt 685,57 Wh/người/6 tháng, tăng 66,47 kWh/người/tháng so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng khoảng 10,74%. Tốc độ này so với nhiều nước trong khu vực vẫn bị coi là thấp, do ở các nước, việc “mạng hoá” các dữ liệu thông tin để đo đếm côngtơ, ghi hoá đơn đã giảm đáng kể lượng người mà biên chế ngành điện phải trả.

Tăng năng suất lao động ngành điện nhờ thay thế công tơ điện

Tăng năng suất lao động ngành điện nhờ thay thế công tơ điện. Ảnh Lao Động

Theo Ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thay vì dùng hàng nghìn lao động mỗi tháng làm công việc “bắc thang đọc côngtơ điện”, có thể dùng sự tiện ích của công nghệ thông tin (CNTT) để làm việc này. Việc thay thế máy móc cho con người vừa làm tăng năng suất lao động, vừa tăng độ an toàn cho công việc “truyền thống’ của ngành điện.

Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam) cũng cho hay, trên bình diện rộng, ngành điện muốn hiện đại hóa hạ tầng đo đếm điện thì trước hết cần phải thay toàn bộ công tơ cơ học hiện nay bằng công tơ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải ứng dụng linh hoạt, mạnh mẽ công nghệ thông tin vào lĩnh vực này.

“Khi đó việc thu thập, xử lý dữ liệu, lập hóa đơn, xuất hóa đơn tiền điện cho khách hàng sẽ được nhanh chóng, kịp thời và chính xác”, Giáo sư Trần Đình Long nhấn mạnh.  

Tổng công ty EVN đã sớm triển khai đề án thay thế công tơ cơ thành công tơ điện từ, thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động mua bán điện tại Cty điện lực Sơn La và lên kế hoạch triển khai mở rộng cho tất cả 26 Cty điện lực trực thuộc. Số liệu của Ban kinh doanh thuộc EVN cũng cho biết tính đến ngày 31/12/2014, EVN đã kinh doanh và bán điện cho 22,411 triệu khách hàng, trong đó có 2,72 triệu khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện tử.

“Hiệu quả mang lại của việc sử dụng công tơ điện tử vào công tác kinh doanh bán điện cho khách hàng là tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, thay cho phương pháp theo dõi và quản lý vận hành thủ công truyền thống có năng suất lao động thấp, giúp các công ty điện lực nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý giám sát, vận hành hệ thống đo đếm, nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng và chất lượng dịch vụ khách hàng”, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết.

Tuy nhiên, việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử và áp dụng phương thức mới trong việc ghi chỉ số điện bằng máy tính bảng kết hợp với bộ ghi chỉ số mới chỉ được triển khai trên phạm vi hẹp và cần phải có lộ trình. Do công tơ điện tử có độ nhạy cao hơn công tơ cơ nên nhiều người nghi ngờ công tơ điện tử chạy nhanh hơn công tơ cơ. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng gặp vướng mắc về nguồn vốn để triển khai. Bởi  áp dụng công tơ điện tử đem lại nhiều hiệu quả nhưng cần đảm bảo nguyên tắc không làm tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã duyệt. 

Phương Khanh 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang