Công trình giao thông trọng điểm, thi công kiểu “sên bò”

author 10:34 28/11/2012

(VietQ.vn) - Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội được khởi công xây dựng từ nhiều năm này, nhưng đến thời điểm này các gói thầu vẫn ì ạch và phải điều chỉnh tiến độ. Nguyên nhân chính là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

 Chậm tiến độ do không có mặt bằng sạch

Vừa qua, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Hà Nội có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội và các ban ngành, chính quyền các huyện có dự án đi qua, đơn vi thị công các dự án giao thông các dự án trọng điểm do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư về tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, xây dựng nhà tái định cư.
 
Theo Ban chỉ đạo GPMB Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 5 dự án trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giải quyết ách tắc giao thông bao gồm: Đường nối từ cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài; Cao tốc  Hà Nội - Thái Nguyên (Quốc lộ 3 mới); Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có hai dự án về cơ bản đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn lại các dự án đều bị vấn đề GPMB chặn tiến độ.
ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Theo đơn vị quản lý dự án và các nhà thầu, tiến độ các dự án bị ảnh hưởng do công tác giải phóng và xử lý nền đất yếu tại địa bàn các huyện của Hà Nội khiến nhiều đoạn trên tuyến đường không thể thi công. Ngoài ra, theo đánh giá của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Hà Nội, dự án xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng cho dự án tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn được triển khai thực hiện quá chậm, thậm chí còn chưa phê duyệt khi dự án đã thi công.
 
Dự án đường cao tốc Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên dù đã được khởi công từ cuối năm 2009, thời gian hoàn thành toàn tuyến vào tháng 6/2013. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó phòng điều hành dự án (Ban Quản lý dự án 02) cho biết: Đến nay, các địa phương đã bàn giao 58,5km /61,3 km, còn lại gần 3 km chưa bàn giao mặt bằng nên trên thực tế các nhà thầu chỉ có thể thi công gần 58 km. 
 
Ông Hà cũng thừa nhận rằng: “Hầu hết mặt bằng tuyến đường bị vướng mắc chủ yếu nằm ở các điểm giao cắt tại các huyện của địa bàn Hà Nội”.
 
Còn Theo Ban chỉ đạo GPMB Hà Nội, toàn dự án chỉ còn 4 ha chưa có mặt bằng sạch hoặc chậm trễ chủ yếu tập trung ở địa bàn huyện Sóc Sơn với khoảng hơn 100 hộ đất tại các xã Trung Giã, Bắc Phú, Tân Hưng và ba hệ thống đường điện trung hạ thế phải di chuyển hạ tầng kỹ thuật nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. 
 
Một dự án khác cũng bị chậm và phải điều chỉnh tiến độ các gói thầu đó là dự án cầu Nhật Tân. Được khởi công từ tháng 3/ 2009 và hoàn thành vào tháng 10/2014 với ba gói thầu. Theo báo cáo của chủ đầu tư, giá trị toàn dự án cũng chỉ mới hoàn thành được gần 60% khối lượng công việc.
 
Ban quản lý Dự án Tả Ngạn cầu Nhật Tân cho biết: Cầu Nhật Tân đi qua hai quận huyện của địa bàn thủ đô với tổng diện tích phải thu hồi vĩnh viên là gần 116 ha để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích giải phóng mặt bằng của huyện Đông Anh cơ bản đã hoàn thành và chỉ còn vướng khoảng 2,3 ha đất của 280 hộ dân tại nút giao Phú Thượng (phường Phú Thượng, quậnTây Hồ) chưa được giải phóng. Các đơn vị thi công đều nhận mặt bằng làm nhiều đợt. Thậm chí, đến tháng 5 vừa qua, đơn vị thi công mới nhận hết mặt bằng của cầu vượt đê Tả Hồng (chậm 3 năm so với kế hoạch) vì thế nên rất khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ phê duyệt của dự án như ban đầu.
 
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng của các dự án trên phải tiến hành xong trước năm 2012. Nhưng để làm được điều này, công tác GPMB tại các công trình giao thông vẫn đang “khó” cho đơn vị thi công.

Chậm triển khai chung cư nên khó cho công tác GPMB
 
Cũng theo báo cáo, để thể thi công các dự án trên, Hà Nội đã tiến hành thu hồi tổng diện tích đất ở và nông nghiệp là 590.4 ha tại bốn huyện, quận thủ đô.
 
Ông Hoàng Trung Kính - Trưởng phòng GPMB, Ban quản lý Dự án Tả Ngạn, mỗi dự án giao thông trên địa bàn Hà Nội muốn có mặt bằng sạch là vô cùng khó khăn.
 
Lý giải cho điều này, ông Kính cho rằng: “Các gói thầu của dự án đều bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra là do ách tắc trong khâu bàn giao mặt bằng sạch nên phỉa điều chỉnh thi công. Các đơn vị thu công không thể tiến hành làm được vì người dân chưa đồng thuận với giá đền bù do không sát với giá thị trường nên không chấp hành cho tổ công tác giải phóng mặt bằng của phường, quận vào kiểm đếm, đo đạc”.
 
Đại diện chủ đầu tư và các ban giải phóng mặt bằng quận, huyện cho rằng: Một trong những vướng mắc dẫn tới công tác GPMB chậm trễ là do các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Chưa có tiền đầu tư trước khi dự án được khởi động.
 
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan đã không dự báo, lường trước khối lượng công việc cần phải thực hiện nên đến khi chuẩn bị phê duyệt phương án đất ở thì mới bắt đầu quá trình lập, trình phê duyệt các dự án đầu tư khu tái định cư. Nếu không có đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân đủ điều kiện thì sẽ không thể thu hồi đất giải phóng mặt bằng được.
 
Ngoài ra, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng cũng thừa nhận, một số khu tái định cư còn thiếu những điều kiện tối thiểu cho sinh hoạt nên nhiều hộ dân dù đã đồng ý với phương án di dời nhưng vẫn ở lại.
 
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, các ban ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách tái định cư phân tán cho người dân được lựa chọn hoặc chính sách hỗ trợ bằng tiền để các hộ tự lo xây nhà ở tái định cư đồng thời các quận, huyện, Sở liên quan phải có trách nhiệm trong việc lập, phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng.
 
Mai Anh Tuân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang