Cho nhà sai phép nộp phạt: "nhờn luật và chẳng răn đe được ai"

author 10:13 04/03/2014

Thông tư 02 /2014/TT-BXD mới đây cho phép các công trình xây dựng sai phép, sai thiết kế, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị sẽ chỉ phải đóng phạt để được tồn tại thay vì dỡ bỏ như trước đây

Bộ xây dựng “nới luật” là có lý do

Bộ Xây dựng vừa ban hành thông tư 02 hướng dẫn nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Một trong những nội dung mới của thông tư này là quy định về cách tính giá trị phần xây dựng sai phép, không phép làm cơ sở để tính số tiền phạt mà chủ đầu tư công trình phải nộp cho Nhà nước.
Nhưng bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng lưu ý chỉ áp dụng hình thức đóng tiền phạt để tồn tại phần nhà trái phép đối với trường hợp công trình vi phạm được phát hiện khi công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hoặc khi hành vi vi phạm đã kết thúc.
Theo quy định mới này, đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng nhưng chưa thực hiện tháo dỡ, cơ quan chức năng xem xét hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ. Sau đó, cấp thẩm quyền phạt mức 40% đối với nhà ở riêng lẻ, với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng phạt 50% giá trị công trình sai phép, không phép. Với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc cấp giấy phép sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

 Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành thì  Bộ xây dựng “nới luật” là có lý do.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định “Có lẽ chính Bộ xây dựng cũng nhận thấy rằng các thủ tục cấp phép có quá nhiều nhiêu khê, gây không ít khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Còn nhớ trước đây, trong diễn đàn Quốc hội, chính Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng phải thừa điều này và hứa sẽ giảm tối đa thủ tục cấp phép xây dựng. Có lẽ chính vì vậy mà quy định này được ban hành, nhằm giảm các thủ tục nhiêu khê trong việc cấp phép xây dựng”

Phạt cho cái sai tồn tại thì luật để làm gì?

Quyết định cho công trình sai phép được nộp phạt ngay khi được công báo đã gây xôn xao dư luận với nhiều ý kiến phản đối cho rằng xử phạt như vậy sẽ gây tác động nguy hại cho trật tự xây dựng cũng như trật tự xã hội. Thông tư 02 quá nghiêng về những kẻ lắm tiền đã coi thường luật lệ “cố tình làm sai rồi chấp nhận chịu phạt. Nay lại cho phép nộp phạt để xóa án cho công trình vi phạm khác nào việc “chạy án bị cưỡng chế”? Trong thực tế, việc hợp pháp hóa những công trình sai phép như thế sẽ giúp chủ đầu tư thu lợi lớn trong khi mức phạt lại không đáng kể, và nhiều chủ đầu tư sẽ cố tình xây dựng sai giấy phép để được... nộp phạt.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết, ông không đồng tình với quan điểm cho phép được nộp phạt để các công trình xây dựng trái phép được tồn tại. “Nếu phạt cho cái sai tồn tại thì luật để làm gì?”

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.

Theo ông Liêm thì quy định này được đưa ra trong hoàn cảnh bất lực thi hành pháp luật. Và không thể để tất cả các trường hợp xây dựng trái phép đều được nộp phạt, vì nếu như thế sẽ dễ dẫn đến “nhờn luật”. “Phải xét trong từng trường hợp cụ thể, trường hợp nào cho phép nộp phạt để tồn tại, trường hợp nào có thể tịch thu xung công ích hoặc nếu không đáng thì nên phá. Chứ như hiện nay, sai phạm phổ biến nhất trong xây dựng thường là đội tầng, lên tầng trái phép, tôi nghĩ với loại sai phạm này thì có thể “chặt ngọn” đi, dỡ bỏ tầng vừa lên trái phép chứ có khó khăn gì đâu. Còn nếu cứ hễ vi phạm là lại được nộp phạt để tồn tại thì luật chẳng có giá trị gì, cũng chẳng răn đe được ai cả”
Đồng tình với ông Liêm, nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng, nếu cho phép nộp phạt để các công trình trái phép được tồn tại thì sẽ không đủ sức răn đe, nhiều người sẽ cố tình bất chấp để sai luật, vì họ sẵn sàng “được” nộp phạt.
 
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện rất nhiều ý kiến đề xuất, rằng nếu áp dụng hình thức cho nộp tiền phạt, thì phải nâng mức tiền phạt lên cao gấp nhiều lần giá trị của phần xây dựng trái phép, lúc ấy may ra người dân và doanh nghiệp mới “đắn đo”, cân nhắc trước khi xây dựng, bởi họ bắt buộc phải đứng trước 2 lựa chọn: hoặc là xây dựng đúng quy định, hoặc là xây dựng trái phép và phải chịu một mức phạt lớn hơn so với giá trị của phần trái phép sắp được xây dựng.
 
“Chỉ khi nào người dân hoặc doanh nghiệp không thể đóng nổi mức phạt vì quá cao thì khi ấy mới không còn những công trình xây dựng trái phép” – một kiến trúc sư hiến kế.

PV (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang