Quảng cáo TPCN như thuốc chữa cao huyết áp, đánh lừa người bệnh?

author 13:33 08/01/2020

(VietQ.vn) - Dù chỉ được Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế xác nhận là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên nhiều đơn vị vẫn quảng cáo là thuốc chữa bệnh có công dụng điều trị cao huyết áp.

Cụ thể, theo phản ánh từ anh H.N. (Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy) gửi đến tòa soạn Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn), một số sản phẩm hiện đang được quảng cáo trên website với nhiều công dụng giúp điều trị cao huyết áp hiệu quả. Tuy nhiên, sau quá trình sử dụng sản phẩm lại không mang lại hiệu quả như những gì đã quảng cáo, bệnh tình không có chuyển biến.

Điều đáng nói, dù không phải là thuốc vì vậy nếu người bệnh cao huyết áp tin vào những lời quảng cáo trên dẫn đến nhận thức sai về công dụng của sản phẩm, sử dụng không đúng mục đích thì chẳng những bệnh không thuyên giảm mà có thể nặng thêm. Sản phẩm được “thần thánh hóa” này thực chất là loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe thông thường với công dụng chỉ là hỗ trợ tăng cường sức bền thành mạch và giảm huyết áp cao.

 Ảnh minh họa.

Để làm rõ hơn những chiêu trò “vẽ” ra hòng đánh lừa khách hàng, vào vai người bệnh cao huyết áp cần mua sản phẩm, phóng viên đã liên hệ nhờ tư vấn và nhận được câu trả lời đầy hứa hẹn từ nhân viên: “Bài thuốc bên em là bài thuốc Đông y, chuyên đặc trị cao huyết áp”.

Có thể nói, một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp phép hỗ trợ giảm huyết áp cao tuy nhiên lại được hướng dẫn, quảng cáo như thuốc chữa bệnh sẽ gây ra rất nhiều tai hại vừa không thể mang lại hiệu quả người bệnh mong muốn, nguy hiểm hơn nếu mù quáng tin vào sản phẩm còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Vậy để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, người bệnh cao huyết áp khi mua bất kỳ sản phẩm nào cũng nên tìm hiểu kỹ công dụng. Đừng quá tin vào những lời quảng cáo “có cánh” hay lời hứa hẹn “màu hường” từ người bán hàng để rồi “tiền mất tật mang”, người chịu thiệt cuối cùng lại chính là mình.

Khoản 3 Điều 43 Luật An toàn thực phẩm quy định về quảng cáo thực phẩm như sau: "Người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận”.

Tại khoản 4 Điều 68 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".

Văn Tùng 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang