Công ty Cổ phần Cùng Mua "nói một đằng làm một nẻo"

author 06:49 25/10/2013

(VietQ.vn) - Nói với khách hàng và đối tác với những lời lẽ “đường mật” nhưng sau đó Cùng Mua lại không làm như họ đã “thề thốt”.

Tung hỏa mù cho khách hàng

Trên trang website bán hàng của mình, Công ty CP Cùng Mua (Cungmua.com) nói rằng: “Cùng Mua chỉ hợp tác với những đối tác có uy tín và cam kết phục vụ khách hàng tốt nhất. Tất cả sản phẩm dịch vụ khuyến mãi trên Cùng Mua đều được đội ngũ QA (kiểm tra chất lượng) xem xét, nghiên cứu để đảm bảo chất lượng. Đội QA hoạt động trên nguyên tắc rất đơn giản: nếu Cùng Mua không tự tin giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ đến với gia đình, người thân, bạn bè của mình, Cùng Mua sẽ không giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ đó”.

Do choi khong hop chuan, hop quy

Cungmua.com bán hàng loạt sản phẩm của Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng, không hợp chuẩn, hợp quy. Ảnh: N. N

Thế nhưng ngược lại, sau khi khách hàng phản ánh về sản phẩm kém chất lượng, mua về không dùng được và muốn trả lại hàng thì cùng mua lại viện không ít lý do và yêu cầu khách hàng phải tự mang đến đổi. Chỉ khi khách hàng đã bỏ tiền ra mua hàng, hàng không thể dùng được và muốn trả lại, lúc đó Cungmua.com mớii nói, khách hàng phải tự mang hàng đến đổi, trả, vì phía doanh nghiệp này chỉ hỗ trợ mang hàng đến cho khách mà không hỗ trợ đến nhận về.

Cụ thể như trường hợp của một khách hàng tại Q. Long Biên – Hà Nội, khi khách hàng này mua sản phẩm máy massage eo thon gọn và được Cungmua.com cử người mang hàng đến. Khi nhân viên giao hàng vừa đi khỏi, NTD cắm điện vào dùng thử, máy “im thin thít”, không dùng được. Xem trên bao bì sản phẩm không có một thông tin nào về hướng dẫn sử dụng, bao gói sản phẩm thì cũ xờn như hàng đã thải loại. Không nén được bức xúc khi tiền đã giao đi nhưng lại nhận được sản phẩm “đểu”, NTD liên hệ lại thì lại được giải thích lòng vòng.

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam về vấn đề NTD đã nêu, bà Phan Thị Huệ - đại điện chăm sóc khách hàng của Cungmua.com tại Hà Nội khẳng định rằng, hàng hóa của doanh nghiệp mình bán ra là đầy đủ giấy tờ, đảm bảo chất lượng và có cả đội chăm sóc khách hàng rất kỹ lưỡng.

Cách trả lời này của bà Huệ cũng giống như ông Thái Bá Chung – Quản lý VP đại diện của Cungmua.com tại Hà Nội sau PV đặt cùng một câu hỏi. Đặc biệt hơn, dù có trách nhiệm trực tiếp vì đã thu tiền và giao hàng cho NTD nhưng hàng đã hỏng, kém chất lượng, không tem nhãn, không bảo hành, không hướng dẫn sử dụng nhưng cả ông Chung và bà Huệ đều đổi lỗi cho nhà sản xuất, trong khi, chẳng rõ nhà sản xuất sản phẩm đó là đơn vị nào, ở đâu.

Hiệp hội Thương mại Điện tử nói gì?

Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), hiện nay Cungmua.com chưa là thành viên của tổ chức này. Việc Cungmua.com không nói rõ các quy chế với khách hàng trước để họ lựa chọn dịch vụ và bán hàng không đầy đủ tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ… là không đúng quy định pháp luật.

Trả lời câu hỏi của PV mới đây, lãnh đạo Vecom cho biết, mọi hoạt động mua bán, giao dịch và thực hiện giao kết hợp đồng điện tử đều phải tuân thủ các quy định liên quan tới thương mại nói chung và thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng.

Bat hang tai Cong ty CP Cung mua

Lực lượng chức năng đã tạm thu giữ nhiều hàng hóa của Công ty CP Cùng Mua tại Hà Nội. Ảnh: N. N

Theo Điều 42 của Luật Thương mại, bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hóa cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng.

Theo Điều 21 khoản 2 mục d, Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 5 năm 2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán phải có nghĩa vụ lập và giao hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Trừ trường hợp không phải lập hóa đơn theo quy định tại Điều 16 khoản 1 Nghị định này đó là: Nếu bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn.

Đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, theo quy định của Nghị định về TMĐT, thông tin hàng hóa phải được hiển thị một cách đầy đủ, rõ ràng để khách hàng có thể xác định chính xác đặc tính của hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, đối với hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, thông tin sản phẩm cần bao gồm cả thông tin về đơn vị nhập khẩu hay các thông tin về đặc tính sản phẩm và cách sử dụng. Tất cả những thông tin này cần được hiển thị bằng tiếng Việt trên sản phẩm.

Theo Điều 9 khoản 3, Nghị định 89/2006/NĐ-CP ban hành ngày 30 tháng 8 năm 2006 về Nhãn hàng hóa quy định: Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo quy định tại Điều 11 khoản 1 và Điều 14 khoản 2, Nghị định 89/2006/NĐ-CP có ghi rõ Nội dung trên nhãn hàng hóa phải bao gồm các thông tin:Tên hàng hoá; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; Xuất xứ hàng hoá. Hàng hoá được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Do đó khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng thì trên nhãn mác hàng hóa phải có đầy đủ các thông tin về Đơn vị sản xuất và đơn vị nhập khẩu hàng hóa.

TMĐT chỉ là một hình thức tiến hành hoạt động thương mại. Các bên ứng dụng TMĐT để tiến hành hoạt động thương mại phải tuân thủ mọi quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong hoạt động thương mại đó.

Hiện nay Vecom có hàng trăm thành viên hoạt động trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại điện tử, Vecom thường xuyên hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp thành viên về pháp luật TMĐT và giúp đỡ họ tuân thủ các quy định pháp luật. (Còn nữa)

Nhóm Phóng viên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang