Công ty SunNet phát hành trò chơi dung tục, xuyên tạc

author 18:20 25/09/2013

(VietQ.vn) - Trong tổng số 152 trò chơi giải trí mà Công ty SunNet phát hành, có rất nhiều trò chơi dung tục, khêu gợi, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức, uy tín của công dân.

Như Chất lượng Việt Nam đã phản ánh trong bài viết “FPT shop tiếp tay doanh nghiệp game trục lợi khách hàng?”, phản ánh về việc chị Nguyễn Thị Kim Tuyến ở Cầu Diễn – Từ Liêm (Hà Nội) “tố” nhân viên tại Trung tâm FPT shop số 45 Thái Hà – Đống Đa (Hà Nội) tự động cài các chương trình game vào trong máy điện thoại di động khi chị này được bạn mua tặng chiếc điện thoại di động Smartphone FPT V, màn hình 5’’… Do nhân viên của Trung tâm nói trên không giải thích rõ đó là các trò chơi có tính phí nên cả chị và con chị đều vào các trò chơi để chơi. Sau mỗi lần chơi, chị liên tục nhận được các tin nhắn với nội dung “Cam on ban da mua game. Download hot game: http://mobiistar.qplay.vn” – tạm dịch là “cảm ơn bạn đã mua trò chơi…”.

Mot noi dung kheu goi trong game cua SunNet

Một nội dung giới thiệu về game có thông tin khêu gợi của Công ty SunNet. Ảnh: N. Nam

Thấy có những dấu hiệu khả nghi nên chị Tuyến đã liên lạc với nhà mạng Vinaphone và được biết, cứ mỗi lần nhận tin nhắn như vậy là chị đã mất 15.000 đồng.

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam về thực tế người tiêu dùng nêu, đại diện phía Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT tại TP. Hồ Chí Minh bà Nguyễn Bích Hạnh cho rằng, việc cài các chương trình là do khách hàng tự download về máy. Tuy nhiên, khi làm việc với ông Nguyễn Minh Chiến – phụ trách kỹ thuật của Trung tâm FPT shop tại 45 Thái Hà – Đống Đa (Hà Nội), ông này lại cho rằng, nhân viên kỹ thuật của trung tâm đã cài các chương trình game cho khách hàng để tiện lợi hơn khi dùng. Cũng theo ông Chiến, mỗi lần cài game như vậy, nhân viên kỹ thuật đều có giải thích cho khách hàng.

Tuy nhiên, khi trao đổi lại với chị Kim Tuyến, chị này xác nhận: Chẳng thấy nhân viên nói gì về game mà chỉ thấy bảo máy chị đã cài xong, chị kiểm tra lại.

Với việc người tiêu dùng nêu, PV cũng đã tìm hiểu thông tin và được biết, Công ty CP Giải pháp CNTT và truyền thông SunNet (gọi là Công ty SunNet) là đơn vị sở hữu các game như: Mario Jump, Jewwels Deluxem Ant Smas…, Boom… Sau nhiều lần liên lạc để giải đáp vấn đề người tiêu dùng thắc mắc, phía nhân viên của Công ty SunNet chối quanh và không chịu trả lời.

Sự việc đã được phản ánh tới Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội và cơ quan thanh tra của Sở đã vào cuộc kiểm tra việc người tiêu dùng và báo nêu.

Hinh anh kheu goi

Một trong các hình ảnh game khêu gợi của Công ty SunNet. Ảnh: N. Nam

Tại công văn số 1433/STTTT – TTR ngày 19/9/2013 của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội có kết luận, Công ty SunNet được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp phép hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại P503, D3 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Phường Thanh Xuân Bắc (Quận Thanh Xuân, Hà Nội). Địa điểm kinh doanh đề tại P303 số 1 ngõ 120 Trường Chinh, phường Phương Mai, Đống Đa (Hà Nội). Công ty SunNet cung cấp 152 trò chơi giải trí cho điện thoại di động.

“Đối với việc cung cấp các trò chơi có nội dung “bạo lực, bịa đặt về lãnh đạo Mỹ đến Việt Nam và bị khủng bố tại Việt Nam, các game gợi dục” của Công ty SunNet, vi phạm điểm b, điểm d khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin”, một đoạn trong công văn của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội viết.

Cụ thể, theo Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội ban hành ngày 29/06/2006, tại điểm b và điểm d khoản 2 - Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số, Điều 12 quy định Hành vi bị cấm có ghi rõ: “b) Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Điểm d) Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”

Cũng tại công văn của Sở cũng có ghi: Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tương ứng với các mức phạt và phạt như thế nào phía Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội lại không nêu rõ.

Qua thực tế tìm hiểu PV cũng ghi nhận được, địa chỉ trụ sở chính của Công ty SunNet thực chất là “nhà riêng”, còng địa điểm kinh doanh thực tế lại không phải tại P303, số 1 ngõ 120 Trường Chinh, phường Phương Mai, Đống Đa (Hà Nội) như kết luận của Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội.

Tại buổi làm việc vơi PV chiều ngày 24/9/2013, bà Phạm Hồng Tuyến – Phó phòng Hành chính Công ty SunNet cho biết, việc người tiêu dùng và báo chí phản ánh doanh nghiệp chưa giải quyết kịp thời, gây bức xúc là lỗi từ các nhân viên trực điện thoại. Bà Tuyến cũng xác nhận, mỗi tin nhắn mà người tiêu dùng nhận được, họ sẽ phải trả 15.000 đồng.

Cũng theo bà Tuyến, phía Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với doanh nghiệp nhưng chưa đưa ra mức xử phạt cụ thể. Các game như phản ánh có nội dung xuyên tạc, gợi dục, dung tục, bà Tuyến cho rằng đó là tùy cách hiểu và các nhân viên viết ra các game đó cũng làm việc “cảm tính”.

Ông Đỗ Đăng Quân – phụ trách kỹ thuật Công ty SunNet, game xuyên lạc về lãnh đạo nước ngoài đã được điều chỉnh phù hợp. Còn các game có hình ảnh dung tục, các cô gái hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục chỉ là các hình ảnh bên ngoài giới thiệu game.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang