Công ty thép Hòa Phát 'dính' bầu kiên như thế nào?

author 14:15 23/12/2013

(VietQ.vn) - Sau khi kí hợp đồng Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng làm 3 đợt. Thu được số tiền trên Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ và sử dụng riêng vào các mục đích khác nhau.

Sự kiện:

Làm khống giấy tờ

Theo cáo trạng của VKSNDTC, Công ty CP đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) có trụ sở 57B Phan Châu Trinh, Hà Nội do ông làm Chủ tịch HĐQT. Công ty này sở hữu 29,996 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát.

Ngày 11/5/2010, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng thế chấp 22.479.000 cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng phong tỏa theo giấy đề nghị phong tỏa kiêm ủy quyền chuyển nhượng cổ phiếu số 872/CV-ACBS ngày 11/5/2010 và hợp đồng quản lý tài sản đảm bảo thanh toán trái phiếu ngày 25/3/2008 được ký giữa Công ty ACBI và Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS).

Đầu tháng 4/2012, thông qua ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương – TGĐ Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên biết được Tập đoàn Hòa Phát có chủ trương thăng sở hữu vốn của Tập đoàn Hòa Phát tại các Công ty thành viên trong đó có Công ty CP Thép Hòa Phát mà Công ty ACBI do Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch HĐQT đang sở hữu 29.996.000 cổ phần. Theo đề nghị của ông Long và ông Dương, Nguyễn Đức Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát với giá 13,200 đồng/cổ phẩn tương ướng với tổng số tiền 264 tỷ đồng.

Ngày 5/12/2012 Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hải Yến – Kế toán trưởng Công ty ACBI soạn thảo văn bản để Trần Ngọc Thanh (Giám đốc) ký gửi ngân hàng ACB và Công ty TNHH Chứng Khoán ACB đề nghị xem xét cho giải tỏa 20.000.000 cổ phần trong tổng số 22.497.000 cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát đang thế chấp tại Ngân hàng ACB cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do Công ty ACBI phát hành và bổ sung bằng 7.431.606 cổ phiếu Ngân hàng Eximbank tương đương mệnh giá 74.316.060 đồng.

Sau khi nhận được văn bản của Công ty ACBI, Công ty ACBS có văn bản gửi ngân hàng ACB để xem xét. Ngày 14 và 24/5/2012 đại diện Công ty ACBS đã trả lời Công ty ACBI thông qua Nguyễn Thị Hải Yến bằng thư điện tử với nội dung giá trị tài sản bảo đảm còn thiếu sau khi Công ty ACBI rút 20.000.000 cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát và bổ sung 7.413.606 cổ phiếu ngân hàng Eximbank đề nghị Công ty ACBI có phương án, kế hoạch bổ sung tài sản bảo đảm còn thiếu để có phương hướng xử lý. Sau khi nhận được nội dung phản hồi của Công ty ACBS, Nguyễn Thị Hải Yến đã báo cáo lại cho Nguyễn Đức Kiên nhưng Kiên không có ý kiến chỉ đạo hay hướng giải quyết. Đến ngày 12/9/2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB và các thành viên Uỷ ban tín dụng Ngân hàng  ACB đã họp bàn kết luận không đồng ý giải chấp theo đề nghị của ACBI đồng thời khẳng định 29.996000 cổ phần của Công ty CP Thép Hoà Phát vẫn đang thế chấp tại Ngân hàng ACB và Ngân hàng ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phiếu này.

Mặc dù chưa được ngân hàng ACB và Công ty ACBS chấp thuận cho giải toả 20 triệu cổ phần trong tổng sổ 22,497 cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát. Ngày 15/5/2012 Công ty ACBI không tổ chức họp HĐQT nhưng Kiên vẫn chỉ đạo Yến soạn thảo quyết định của HĐQT để Kiên lý biên bản họp HĐQT để Kiên, Yến, Thanh và Huỳnh Vân Sơn – Thành viên HĐQT ký thể hiện chủ trương, thống nhất của các thành viên trong HĐQT đồng ý chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát, giá chuyển nhượng13,2 nghìn đồng/CP, tổng giá trị chuyển nhượng là 264 tỷ đồng. Sau đó Kiên chỉ đạo Yến chuyển quyết định và biên bản họp HĐQT cho phía tập đoàn Hoà Phát và nhận bản dự thảo Hợp đồng tử Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát, Nguyễn Đức Kiên đã kiểm tra nội dung và đồng ý ký nháy vào hợp đồng, sau đó giao lại cho Trần Ngọc Thanh ký, đóng dấu để thực hiện.

Ngày 21/5/2012 Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hộ đồng với Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát do ông Kiều Chí Công làm Giám đốc đại diện về việc Công ty ACBI Hà Nội bán lại 20 triệu cổ phần trong tổng số 22,497 triệu CP Công ty CP Thép Hòa Phát tương ứng với số tiền 264 tỷ đồng cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Sau khi kí hợp đồng Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã chuyển 264 tỷ đồng làm 3 đợt. Sau khi thu được số tiền trên Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả cho các khoản nợ và sử dụng riêng vào các mục đích khác nhau.

Số phận của Cổ phiếu Hoà Phát ra sao?

Sau khi Nguyễn Đức Kiên bị Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bắt giam về tội kinh doanh trái phép ngày 20/8/2012, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát chưa nhận được 20 triệu cổ phần Công ty CP Tập đoàn Thép Hòa Phát như hợp đồng đã ký với Công ty ACBI.

Ngày 5/9/2012 Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát có đơn đề nghị cơ quan CSĐT – Bộ Công an điều tra làm rõ số cổ phẩn Công ty ACBI đã chuyển nhượng nêu trên và thu hồi số tiền 264 tỷ đồng cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Bầu Kiên và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Ngày 7/9/2012 Cơ quan CSĐT- Bộ CA có công văn yêu cầu Công ty ACBI nộp lại toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng nhưng trong tài khoản của Công ty chỉ còn 53,4 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra Công ty ACBI không thực hiện được yêu cầu nộp tiền của Cơ quan CSĐT. Đến ngày 16/4; 7/5; 12/6 và 15/7/2013 Cơ quan cảnh sát điều tra mới thu giữ được toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng từ các nguồn mà Công ty ACBI đã chi trả trước đó để trả lại cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát.

Xác minh tại Ngân hàng ACB, ngân hàng này xác nhận vẫn đang quản lý 29,996 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát là tài sản thế chấp của Công ty ACBI cho việc phát hành trái phiếu và tiền vay tại Ngân hàng ACB trong đó 22,497 triệu cổ phần thế chấp cho việc phát hành trái phiếu và 7,499 triệu cổ phần thế chấp cho khoản vay. Đến nay ngân hàng ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phần này cho Công ty ACBI.

Theo đó, VKSNDTC kết luận, căn cứ vào tài liệu đã chứng minh thu thập được có đủ cơ sở khẳng định: Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT, Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát cho Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB, mặc dù chưa được sự đồng ý giải chấp của Ngân hàng ACB và Công ty ACBS nhưng Kiên vẫn chỉ đạo Thanh và Yến lập khống biên bản họp HĐQT, lập khống QĐ của HĐQT, chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản của HĐQT thể hiện chủ trương  của Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát cung cấp cho công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát làm cho Công ty THHH Một thành viên Thép Hoà Phát tin tưởng là Công ty ACBI đang quản lý và sở hữu 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ đảm bảo với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào.

Hơn nữa tại điểm 1 khoản 5 HĐ chuyển nhượng cổ phần số 0105 Công ty ACBI cam kết đối với  số cổ phần này là “chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào”. Vì vậy ngày 21/5/2012 ông Kiều Chí Công – Giám đốc đại diện Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát đã ký hợp đồng mua 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hoà Phát do Công ty ACBI sở hữu đồng thời chuyển số tiền 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI. Nguyễn Đức Kiên đã chiếm đoạt số tiền này của Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điều 139 Bộ Luật Hình sự trong đó Nguyễn Đức Kiên chủ mưu.

Quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành thu giữ 264 tỷ đồng của Nguyễn Đức Kiên, Ngày 31/8/2013 Cơ quan cảnh sát điều tra đã có quyết định trả lại số tiền này cho Công ty TNHH Một thành viên Thép Hoà Phát. (Còn nữa).

 

Điều 139 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định cụ thể về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”


 


 

Mạnh Phan 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang