Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào Algeria phải lưu ý điều gì?

author 15:19 04/08/2020

(VietQ.vn) - Cà phê là một trong những mặt hàng được người dân bản địa Algeria ưa chuộng. Các công ty Việt khi xuất khẩu vào thị trường này cần đặc biệt lưu ý một số khuyến cáo dưới đây.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria, kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senagal cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria đạt 82,96 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhìn chung, các mặt hàng nông sản của nước ta như cà phê, hạt tiêu, thủy sản, gạo… vẫn được thị trường này ưa chuộng.

 Cà phê Việt Nam được ưa chuộng tại Algeria.

Cụ thể, cà phê vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường Bắc Phi này trong nửa đầu năm. Như vậy, cùng với chè, cà phê đã trở thành đồ uống nóng ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi Ả rập. Tại Algeria, cà phê được xem là sản phẩm thiết yếu bên cạnh các loại thực phẩm khác như bánh mì, dầu ăn, đường, sữa. Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt các loại mỗi năm. Trong đó, Việt Nam thường cung cấp trên 50% sản lượng.

Mặt khác, tại quốc gia Bắc Phi này, số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc ngày một đông. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu cà phê tăng mạnh, nhất là khi nơi đây không trồng được loại cây này. Năm 2019, nước ta đã xuất khẩu cà phê sang 13 quốc gia châu Phi đạt tổng kim ngạch 153 triệu USD, trong đó Algeria chiếm đến 111 triệu USD. Phần lớn cà phê nhập khẩu vào Algeria dưới dạng cà phê thô (cà phê chưa rang xay và chưa khử cafein). 80% cà phê nhập khẩu vào thị trường này là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica.

Thương vụ cũng khuyến cáo, trên thị trường này, cà phê thô của Việt Nam phải cạnh tranh với cà phê của nhiều nước, xuất khẩu cà phê hộp, cà phê hòa tan vẫn còn hạn chế. Người tiêu dùng địa phương thường uống rất ngọt và đánh giá cà phê hòa tan nhập khẩu nói chung chưa có đủ độ đường, đặc biệt thường e ngại về vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn halal (liên quan đến các thành phần bổ sung như sữa bột, kem). Đây là điều các doanh nghiệp lưu ý khi xuất khẩu cà phê thành phẩm vào Algeria, nhất là khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị.

Riêng với thủy, hải sản, hiện luôn nằm trong Top 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với kim ngạch từ 9-10 triệu USD/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của nước ta sang thị trường này đạt 11 triệu USD. Sản phẩm xuất khẩu chính chủ yếu là cá tra, ba sa filet và cá ngừ nguyên liệu.

Hàng năm vào tháng 11, nước này tổ chức Hội chợ quốc tế về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tại thành phố Oran. Algeria vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này. Ngành nuôi trồng thủy sản của Algeria, nhất là cá nước ngọt chưa phát triển do đó vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hơn nữa, mấy năm gần đây, số lượng người nước ngoài đến làm việc ngày càng đông cũng góp phần tăng cầu thủy sản. Mặt khác, cá da trơn được đánh giá có chứa ít cholesterol, giá bán phải chăng cũng mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam vào thị trường này.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang