Covid-19 có thể 'lẩn khuất' trong thịt cá hồi hơn một tuần, liệu có lây sang người?

author 07:38 13/09/2020

(VietQ.vn) - Hãng tin Bloomberg dẫn một kết quả nghiên cứu Trung Quốc cho hay, vi rút Corona chủng mới “lẩn khuất” trong thịt cá hồi vẫn có khả năng gây bệnh Covid-19 sau hơn 1 tuần.

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam và Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông phát hiện SARS-CoV-2 thu thập từ các mẫu cá hồi có thể sống sót trong 8 ngày ở 4 độ C, tức là gần bằng nhiệt độ bảo quản khi vận chuyển sản phẩm này.

Theo thông tin từ hải quan Trung Quốc, kể từ tháng 6, cơ quan chức năng đã điều tra khả năng thịt nhập khẩu, bao bì và container là nguồn lây Covid-19 sau một số lần phát hiện dấu vết mầm bệnh trên bao bì và thực phẩm. Trong số 500.000 mẫu thử, có 6 mẫu dương tính với SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cá nhiễm SARS-CoV-2 từ một nước có thể dễ dàng được vận chuyển đến nước khác trong vòng 1 tuần, như vậy đóng vai trò một trong các nguồn lây lan quốc tế.

 Covid-19 có thể lẩn khuất trong cá hồi hơn 1 tuần ở nhiệt độ 4 độ C

Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Trung Quốc cho rằng cần có điều tra kỹ lưỡng trước khi kết luận vi rút Corona chủng mới xuất phát từ nước này. Trong chuyến công du Na Uy mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu rằng dù SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy vi rút này khởi thủy tại đây.

Đợt bùng phát đầu tiên của bệnh Covid-19, hiện đang gây đại dịch trên toàn cầu, được cho là có liên quan tới chợ hải sản Hoa Nam ở TP.Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, vào cuối năm 2019. Một ổ dịch khác vào tháng 6 có liên quan đến chợ hải sản Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cuối tháng 8 cho biết đội điều tra nguồn gốc Covid-19 sẽ đến TP.Vũ Hán.

Phụ nữ dùng thuốc tránh thai sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn nếu mắc Covid-19(VietQ.vn) - Phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai có nguy cơ cao bị đông máu do estrogen trong thuốc dạng viên và nguy cơ này sẽ cao hơn nếu mắc Covid-19.

Trước đó ngày 13/8, giới chức Trung Quốc cũng đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bề mặt các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và tôm đông lạnh từ Ecuador. Theo báo cáo của WHO, chính quyền Trung Quốc đã kiểm tra vài trăm nghìn mẫu bao bì và chưa đến 10 mẫu có kết quả dương tính.

Các chuyên gia y học cũng cho rằng virus SARS-CoV-2 không thể sinh sôi trong thực phẩm, chúng cần động vật sống hoặc vật chủ là người để tồn tại và sinh sôi. Chia sẻ trên tờ Reuters, Eyal Leshem, một chuyên gia đến từ Trung tâm y tế Sheba ở Israel bày tỏ, việc lây nhiễm Covid-19 thông qua tiếp xúc với virus đông lạnh từ thực phẩm nhập khẩu không được xem là con đường lây nhiễm chính và không phải là điều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách y tế công cộng. Thực tế, không có bằng chứng về sự lây truyền Covid-19 qua thực phẩm, hộp đựng thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Phần lớn các trường hợp lây nhiễm xảy ra là do tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân bị nhiễm trước đó.

Điều này cũng được Giáo sư Jin Dong Yan, Đại học Hong Kong khẳng định loại virus này không thể tự nhân lên hay sản sinh trên bề mặt thực phẩm, bao bì. Mặc dù vậy, giáo sư Jin cũng không loại trừ khả năng một người có thể lây truyền virus thông qua các giọt bắn trên bề mặt thực phẩm hay bao bì, và người khác có thể nhiễm bằng cách chạm vào giọt bắn rồi đưa tay lên miệng hay mũi. Tuy nhiên, theo giáo sư Jin, các trường hợp như vậy là rất hiếm.

Tuy nhiên, trên tờ Businessinsider, bà Caitlin Howell, kỹ sư hóa học và y sinh tại Đại học Maine (Mỹ) đặt vấn đề, khả năng lây nhiễm Covid-19 là có thể xảy ra, nhưng virus không tồn tại ổn định bên ngoài cơ thể con người. Việc đông lạnh hoặc làm lạnh virus có thể giúp kéo dài thời gian lây nhiễm, đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng dịch bệnh dễ bùng phát tại các nhà máy đóng gói thịt. Nhưng việc lây truyền qua các bề mặt sản phẩm dường như rất hiếm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang