Covid-19 “phủ bóng đen” lên thị trường lao động

author 19:39 20/03/2020

(VietQ.vn) - Covid-19 lan rộng đã tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Điều này đã vô tình gây ra gánh nặng cho thị trường lao động. Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Covid-19 nguy cơ thổi bay 25 triệu việc làm trên thế giới.

25 triệu lao động nguy cơ thất nghiệp

Mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế ILO đã đưa ra cảnh báo, đại dịch Covid-19 có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và làm mất 25 triệu việc làm trên thế giới nếu chính phủ các nước không hành động nhanh.

“Đây không còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, mà còn là cuộc khủng hoảng về thị trường lao động và kinh tế gây ra tác động to lớn đối với con người. Để so sánh, đã có khoảng 22 triệu người thất nghiệp do cuộc khủng hoảng tài chính hồi 2008-2009 gây ra”, Economictimes trích lời Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nói.

Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu lao đao, các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, tập đoàn lớn nhất thế giới… phải đóng cửa để hạn chế dịch bệnh lây lan khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời.

Giảm số lượng việc làm cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu ước tính con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động tới triển vọng của doanh nghiệp và các nền kinh tế.

Tình trạng lao động nghèo được dự báo cũng gia tăng đáng kể, bởi “việc giảm thu nhập do suy giảm các hoạt động kinh tế sẽ ảnh hưởng xấu tới những người lao động cận nghèo hoặc sống dưới chuẩn nghèo”.

Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính rằng sẽ có thêm từ 8,8 - 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới, so với mức ước tính trước đây cho năm 2020 (là giảm 14 triệu người ).

 

Tại Việt Nam, theo Bộ LĐ-TB-XH, trong tháng 2, dựa trên báo cáo của 22 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Số lao động bị mất việc do dịch Covid-19 là 1.027 người, chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số mất việc làm còn lại rải rác ở một vài ngành khác.

Ước tính các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm khoảng 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên

Riêng tại Hà Nội, theo ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc TTDVVL Hà Nội, từ tháng 1 đến giữa tháng 3, có khoảng gần 10.000 lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, nửa đầu tháng 3 có gần 3.000 người, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng hợp số liệu trong tháng 2 tại TTDVVL Hà Nội, trong số 4.037 NLĐ đăng ký hưởng BHTN, có hơn 200 lao động thất nghiệp vì DN phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất; tái cơ cấu ở hơn 80 DN.

Tác động mạnh mẽ lên lao động phổ thông

Rõ ràng Covid-19 đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề, trong đó các lao động phổ thông và lao động làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng không nhỏ. Thách thức này đòi hỏi ngành đào tạo nhân lực phải làm sao đào tạo ra những lao động đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Lao động phổ thông là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Dự báo dịch Covid-19 cũng khiến nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cho thấy nếu người lao động, doanh nghiệp biết đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể dễ dàng thích ứng với nhu cầu của xã hội cũng như tình hình dịch bệnh.

Theo Thời báo kinh doanh, đại diện chuỗi cửa hàng ẩm thực nhà Bu (Bu's food) cho biết, doanh thu của công ty trong quý I/2020 bất ngờ tăng mạnh đến 30% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua các app ẩm thực như Now và Baemin. Trong khi nhiều người đang phải hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động ở những doanh nghiệp trên vẫn có việc làm đều đặn.

Dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới cho biết sẽ có khoảng 49% công việc hiện nay sẽ biến mất trong 20 năm tới. Những ngành nghề đang phát triển trong thời điểm hiện tại chưa chắc được lựa chọn trong tương lai. Bởi vậy, có thể thấy dịch Covid-19 chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động thay đổi suy nghĩ, cách thức làm việc để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế.

Bảo My (t/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang