Cư dân căn hộ chung cư: Muôn kiểu 'khóc ròng'

author 15:28 16/03/2021

(VietQ.vn) - Mua căn hộ chung cư với mong muốn “an cư lạc nghiệp” nhưng bị chậm trễ bàn giao, chiếm giữ quỹ bảo trì, thu thêm tiền chênh lệch... là những nguyên nhân khiến cư dân “khóc ròng”.

Nhận nhà nhưng chưa được an cư

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ cư dân các khu chung cư treo băng rôn, gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. Trong đó, mỗi chung cư, dự án đều có những lí do khác nhau mà theo chia sẻ của cư dân, “bất đắc dĩ” họ mới phải làm như vậy.

Đơn cử, tại chung cư Phương Việt (The Pegasuite) toạ lạc ở quận 8, TP.HCM của Công ty CP Đầu tư Phương Việt (Công ty Phương Việt), hàng loạt cư dân đã căng băng rôn và gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi. Theo một số cư dân, nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ việc Công ty Phương Việt đơn phương đo lại diện tích căn hộ và yêu cầu cư dân phải đóng thêm tiền cho phần diện tích chênh lệch phát sinh so với biên bản bàn giao căn hộ.

Đồng thời, dù chưa bàn giao giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho cư dân nhưng công ty Phương Việt đã phát đi thông báo yêu cầu cư dân đóng nốt 5% giá trị căn hộ. Theo cư dân, việc yêu cầu đóng 5% này là trái với quy định pháp luật theo điều 57 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014.

Cư dân chung cư The Pegasuite căng băng rôn phản đối công ty Phương Việt thu tiền chênh lệch vô căn cứ.

Một chung cư khác cũng rợp đỏ bởi băng rôn trong thời gian vừa qua là SaiGon Gateway tọa lạc tại Quận 9 (nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty CP Bất động sản Hiệp Phú Land (Hiệp Phú Land) làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam (Đất Xanh Miền Nam) là đơn vị phát triển.

Theo đó, các cư dân tại chung cư này căng băng rôn nhằm phản đối việc chủ đầu tư xây dựng cao ốc thương mại cao 25 tầng tại khoảng sân đang là công viên của chung cư. Một số cư dân cho biết, khi mua căn hộ tại đây họ được tư vấn với thông tin khu đất này sẽ là trung tâm thương mại 8 tầng nên họ mới mua. Bên cạnh đó, việc xây cao ốc 25 tầng sẽ làm mất đi công viên, hồ bơi, các tiện ích sống mà chủ đầu tư cam kết trước đó. Cư dân cho rằng Hiệp Phú Land và Đất Xanh Miền Nam đang “đem con bỏ chợ”, “treo đầu dê bán thịt chó”.

Tương tự, một chung cư khác tại Quận Gò Vấp cũng bị cư dân phản đối là Dream Home Residence do Công ty CP Nhà Mơ làm chủ đầu tư. Theo đó, các cư dân tại đây cho biết, hơn 400 căn hộ được bàn giao cho khách hàng từ năm 2017, nhưng đến nay chưa hộ dân nào được cấp giấy chủ quyền. Đồng thời, phí bảo trì chưa được chủ đầu tư bàn giao dù ban quản trị chung cư Dream Home Residence đã được công nhận từ năm 2019.

Có nhà nhưng không thể ở

Những trường hợp trên dù bức xúc nhưng cư dân vẫn còn “may mắn” khi được nhận căn hộ, được sinh sống trên căn hộ mà mình đã bỏ tiền ra mua. Tréo nghoe hơn, nhiều trường hợp người dân mua căn hộ không thể chuyển về để ở hoặc không biết đến lúc nào mới được nhận nhà như trường hợp của bà Nguyễn Thị Châm đang là chủ sở hữu của 3 căn hộ tại chung cư Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè).

Cụ thể, theo bà Châm, năm 2017, con trai bà tên Đỗ Hoàng Hưng có mua 3 căn hộ là D2.1, D2.5, D2.6 tại chung cư Phú Hoàng Anh. Các căn hộ này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chủ quyền cho chủ đầu tư là Công ty CP Phú Hoàng Anh. Sau đó, con trai bà làm thủ tục tặng cho bà. Bà Châm đã nhận bàn giao nhà và chìa khoá từ chủ đầu tư vào ngày 10/07/2017 sau khi tất toán các khoản thanh toán cũng như phí, thuế và lệ phí…

Tuy nhiên, đến thời điểm này bà vẫn chưa thể chuyển vào căn hộ của mình để sinh sống. Lý do là bởi, ban quản trị chung cư Phú Hoàng Anh yêu cầu ban quản lý khóa cầu thang máy, đổ keo vào ổ khóa nhà, khóa luôn hai đầu cầu thang bộ thoát hiểm... vào căn hộ của bà.

Lý do không cho bà Châm vào nhà được Ban quản trị đưa ra là theo quyết định số 55/QĐ-SXD-PTN ngày 29/04/2008 của Sở Xây dựng về việc phê duyệt thiết kế của dự án Phú Hoàng Anh là không có tầng 2, cho nên phần này thuộc công trình công cộng. Điều đáng nói, chủ đầu tư đã ngăn và bán cho cư dân. Từ đó, ban quản trị loan tin sổ hồng các cơ quan chức năng đã cấp là bất hợp pháp...

Chung cư Phú Hoàng Anh là nơi bà Châm có nhà hợp pháp nhưng không thể về ở.

Một trường hợp khác như chị Cửu Nguyễn Thiên Tâm - một giáo viên dạy nhạc tại Q.4, TP.HCM dù đã mỏi mòn chờ đợi 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể nhận nhà để “an cư”.

Theo lời chị Tâm, vào tháng 12/2009, chị đã ký hợp đồng mua bán căn hộ trong dự án chung cư cao tầng trên đường Trịnh Đình Trọng, Hòa Thạnh, Tân Phú, TP.HCM. Căn hộ chị mua có diện tích 47m2 thuộc dự án 584 Lilama SHB Building do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Lilama SHB làm chủ đầu tư với giá 636,6 triệu đồng (chưa bao gồm lệ phí trước bạ, thuế theo quy định của nhà nước, 2% phí bảo trì, chi phí sử dụng các tiện ích công cộng,...). Đồng thời, theo hợp đồng đã ký thì thời gian dự kiến sẽ bàn giao nhà là vào năm 2011.

Sau khi ký hợp đồng mua bán, gia đình chị đã đóng 50% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư và gần 45 triệu đồng tiền phí cho đơn vị môi giới. Thế nhưng, khi dự án xây dựng được nửa chừng thì đột ngột dừng lại và nằm bất động cho tới nay khiến chị cũng như hàng trăm khách hàng khác rơi vào tình trạng khốn khổ.

Sau đó, đến tháng 03/2013, chủ đầu tư ký biên bản bàn giao dự án về cho đối tác khác để tiếp tục hoàn thiện. Năm 2014, đối tác mới đã tổ chức hội nghị khách hàng và đưa ra hai hướng giải quyết, một là nếu khách hàng muốn nhận lại tiền đã đóng trong hợp đồng thì công ty sẽ trả trong vòng 6 tháng hoặc nếu khách hàng muốn nhận nhà thì phải thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư cũ. Vậy nhưng, chủ đầu tư mới chỉ trả lại tiền cho khách hàng một đợt rồi ngưng. Để rồi, từ đó đến nay họ không chi trả tiền, cũng không tiến hành ký hợp đồng cho những trường hợp đợi nhận nhà.

Anh Đức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang