Cư dân thung lũng Silicon không có cả thời gian để... ăn

author 10:16 27/05/2015

Theo cách nói của dân thung lũng Silicon, ngay cả với người có địa vị cao, thời gian bị phí phạm vào chuyện ăn uống là một “vấn đề”.

Mỗi tối, Aaron Melocik, một nhân viên phát triển phần mềm, lại thực hiện công việc quen thuộc: trộn nửa gallon nước, 3 muỗng rưỡi dầu macadamia và gói bột protein 16 ounce nhãn hiệu Schmoylent lại với nhau. Sau đó anh đổ hỗn hợp này vào bình và làm lạnh trước khi mang nó đến chỗ làm vào ngày hôm sau tại Metrodigi, một startup ở lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Tại văn phòng, Melocik nhét vội bình Schmoylent mới vào tủ lạnh và mang ra một bình cũ khác. Từ 6:30 sáng đến 3:30 chiều, thay vì ra ngoài hoặc kiếm gì để ăn, anh... uống bình thứ nhất cho bữa sáng và bình thứ hai cho bữa trưa để có thời gian ngồi lập trình. “Trước 7 giờ tối thì tôi hoàn toàn không ăn gì,” Melocik cho biết.

Thời đại bùng nổ hiện tại ở thung lũng Silicon đòi hỏi ai cũng phải làm việc cật lực. Điều này cũng có nghĩa là các lập trình viên, kĩ sư và các nhà đầu tư mạo hiểm đang chuyển sang dùng các bữa ăn lỏng. Những sản phẩm như Schmoylent, Soylent , Schmilk và People Chow hiện bán đắt như tôm tươi, dù không hề rẻ. Đây là những sản phẩm vốn được các vận động viên và người ăn kiêng sử dụng, nhưng giờ đây rất được cư dân thung lũng Silicon ưa chuộng vì chúng dễ chế biến – chỉ cần pha với nước hoặc thậm chí có sẵn dưới dạng sữa như Schmilk- vì thế họ có thể quay trở lại với công việc nhanh hơn.

Nhu cầu cho loại thức uống bột này hiện cao đến nỗi một số kĩ sư cho biết họ phải chờ từ một đến sáu tháng mới nhận được hàng đặt. Nó cũng làm mất đi những buổi giao tiếp ngắn ngủi giữa dân công nghệ với nhau. Các nhà đầu tư thì “khoái” đổ tiền vào những công ty nào mà có cung cấp loại thức uống này. Alexis Ohanian , nhà sáng lập của Reddit, cũng tự nhận mình là fan của loại thức uống này và đã đầu tư vào Soylent, một loại thức uống thay thế cho các bữa ăn.

Hồi tháng 3, công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz đã phục vụ Soylent-inis và Soylent Whites tại một sự kiện... cocktail tại hội nghị của họ ở Austin. Một số thành viên công ty thậm chí chỉ dùng duy nhất loại thức uống này suốt cả mấy ngày diễn ra hội nghị.

Một số lập trình viên lại đang biến “món” này thành dịp để giao lưu bạn bè. Có người đã tổ chức bữa tối cho 6 người với thực đơn là món mì Thái và... Soylent.

Câu chuyện về sự ra đời của Soylent cũng khá đơn giản. Rob Rhinehart, một kĩ sư phần mềm, nói rằng anh nảy ra ý tưởng cho Soylent vào năm 2013 trong lúc làm việc hàng giờ với một công ty viễn thông và nhận ra rằng anh đang không ăn uống đủ chất. Anh muốn tạo ra thứ gì đó có thể phục vụ cho những người làm việc cật lực như anh. Vì thế anh sáng lập ra Soylent, có trụ sở ở Los Angeles, trong năm đó và ngay lập tức nhận được hơn 3 triệu USD đầu tư từ công ty Tilt.

Đơn đặt hàng nhanh chóng tăng lên. Công ty này cho biết họ đã bán hơn 6 triệu “bữa ăn” trên khắp nước Mỹ. Rhinehart từ chối tiết lộ các chi tiết tài chính nhưng cho biết tốc độ giao hàng là tính theo... kiloton và đã thu hút tổng cộng 24,5 triệu USD đầu tư. Khách hàng của Soylent khá đa dạng: từ dân công nghệ lâu năm cho tới những người mới chập chững vào nghề.

Thành công của Soylent đã tạo cơ hội cho những người bắt chước. Alex C. Snyder, đã bỏ việc tại công ty phần mềm Linden Lab để bán một sản phẩm  tương tự Schmoylent và Schmilk do anh tự làm ra. Nhiều khách hàng của anh cũng là dân công nghệ ở Bay Area, San Francisco.

Thật ra Soylent, Schmilk và những sản phẩm tương tự khác cũng không có gì ngon nhưng chúng vẫn được ưa chuộng vì giúp tiết kiệm được tiền bạc và thời gian. Trong khi một bữa ăn ở thung lũng Silicon có giá tới 50 USD thì cả tuần dùng Soylent hay Schmoylent chỉ mất có 85 USD.

Alexandros Kostibas, nhà sáng lập của Habit Monster , một startup phần mềm suýt phá sản vì các chi phí quá cao ở San Francisco, cho biết anh trả lương cho mình thấp hơn cả trả cho nhân viên và anh đã dùng Soylent một phần là vì nó tiết kiệm hơn ăn ngoài. Trước đây chọn lựa của anh là một bữa tối nấu sẵn được đông lạnh nhưng giờ thì anh dùng Soylent vì nó nhanh hơn và có lợi cho sức khỏe hơn.

Theo cách nói của dân thung lũng Silicon, ngay cả với người có địa vị cao, thời gian bị phí phạm vào chuyện ăn uống là một “vấn đề”. Elon Musk, nhà sáng lập Tesla từng nói rằng “Nếu có cách nào đó mà tôi không phải ăn thì tôi có thể làm được nhiều hơn. Tôi sẽ không ăn. Tôi ước rằng có một cách nào đó để nạp dinh dưỡng mà không phải ngồi xuống ăn.”

Theo Trí Thức Trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang