Cụ Rùa hồ Gươm chết: Nhìn lại chiến dịch giải cứu năm 2011

author 10:23 20/01/2016

(VietQ.vn) - Năm 2011, Cụ nhiều lần nổi lên với nhiều vết thương, lở loét vùng đầu, cổ và chi trước nên Hà Nội đã thực hiện chiến dịch giải cứu cụ kéo dài 100 ngày.

Theo tin tức từ báo Người lao động, 7 giờ chiều ngày 3/4/2011, Ban chỉ đạo Khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm đã đưa được "cụ" Rùa vào bể chữa trị an toàn trong tiếng reo hò của gần 3.000 người dân Hà Nội.

Các bác sỹ thú y, chuyên gia thủy sản đã trực 24/24 giờ tại khu vực chân tháp để khẩn trương chẩn đoán và chữa trị các vết thương cho "cụ" Rùa. Hiện nay, các lực lượng chức năng đang xem vết thương "cụ" Rùa. Theo đánh giá ban đầu, vết thương "cụ" Rùa khá nặng với một bên móng chân lở loét.

Được biết, các bác sỹ thú y và chuyên gia thủy sản đã phân tích tác nhân gây bệnh, xây dựng phác đồ điều trị; quyết định chủng loại thuốc, liều lượng thuốc và lên phác đồ điều trị. Sau khi điều trị, "cụ" Rùa đã được đưa ra bể nuôi dưỡng một thời gian để tiếp tục theo dõi và về lại hồ Gươm sau khi đã làm sạch môi trường nước của hồ.

Rùa hồ Gươm trong chiếc bể chữa trịCụ rùa hồ Gươm trong chiếc bể chữa trị. Ảnh: TTXVN

Nhớ lại quá trình 100 ngày vây bắt, kiểm tra và điều trị, Phó giáo sư Hà Đình Đức (người hơn 20 năm nghiên cứu bảo tồn rùa ở hồ Gươm) ngỡ như mới vừa xảy ra. Từng công đoạn trong quá trình ông đều nhớ như in. Theo đó, lần đầu tiên vây bắt đầu tiên vào ngày 8/3/2011 với sự hỗ trợ của các nhà khoa học cùng các ban ngành liên quan dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người dân thủ đô tuy nhiên không thành. Phải tới lần thứ ba ngày 3/4/2011, nhóm nghiên cứu của ông mới có thể đưa "cụ" rùa vào bờ an toàn.

Khi đưa vào lồng, rùa di chuyển chậm chạp đặc biệt ở hai chi trước do có vết lở loét, viêm nhiễm rộng với diện tích cỡ vài bàn tay. Thậm chí, trên mai rùa có hai vết rách lớn do lưỡi lục của người câu cá có xu hướng nghiêm trọng. 

Những ngày đầu, "cụ" rùa không ăn thức ăn dù được chăm sóc cẩn thận. Chứng kiến cảnh trên Phó giáo sư Đức và nhóm nghiên cứu không khỏi xót xa. Ông đã phối hợp với viện nghiên cứu thủy sản tiến hành sử dụng thuốc đặc trị bôi lên các vết thương.

Để đảm bảo sức khỏe cụ rùa sớm hồi phục, hàng ngày Phó giáo sư Hà Đình Đức cùng các cộng sự thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe cũng như tăng cường chế độ dinh dưỡng cho "cụ".

Ngoài việc điều trị bằng thuốc đặc trị các vết thường, vị phó giáo sư còn đề nghị ngăn chặn và tiêu diệt loài rùa tai đỏ ở hồ Gươm, đồng thời phối hợp với Công ty công viên Hà Nội đắp 3.000 bao cát che các hộc đá sắc nhọn xung quanh tháp để cụ rùa di chuyển thuận lợi tránh bị thương, Zing News đưa tin.

Đến chiều chiều 22/6/2011, tiến sỹ Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chữa trị rùa hồ Gươm cho biết, sau 4 lần phân tích mẫu bệnh phẩm của rùa hồ Gươm (lần cuối cùng vào ngày 30/5 vừa qua), kết quả cho thấy rùa hồ Gươm đã hoàn toàn bình phục.

Rùa hồ Gươm đã chịu đựng được nước hồ, không còn có tác nhân gây bệnh, vết thương không xuất hiện - ông Tề cho biết thêm. Để chuẩn bị đưa rùa hồ Gươm trở lại hồ trong môi trường tự nhiên, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, yêu cầu các đơn vị liên quan mở rộng không gian bể điều dưỡng lên diện tích 30x30m, cao 1,8m thay cho bể cũ có kích thước 10x10m mà hiện nay rùa hồ Gươm đang sống.

Chi cục Thủy sản Hà Nội tiếp tục thả cá làm thức ăn cho rùa. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo môi trường Hồ Gươm đảm bảo các yếu tố thủy sinh, nhiệt độ, vi lượng... Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội có trách nhiệm làm dự thảo quy chế quản lý khu vực hồ Gươm để trình Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua vào tháng 8/2011, TTXVN đưa tin. 

Nguyễn Hương (T/h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang