Cục ATTP cảnh báo hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng lừa đảo

author 14:39 16/04/2021

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thông tin cảnh báo về 3 hình thức lừa đảo bán thực phẩm chức năng phổ biến hiện nay.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc quảng cáo, bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) qua hình thức online, gọi điện thoại cho người tiêu dùng rất phổ biến. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hình thức bán hàng này để tư vấn thổi phồng công dụng sản phẩm sai quy định của pháp luật.

Đặc biệt, nhiều trường hợp sản phẩm không có địa chỉ công ty, không có nơi bán hàng cố định, khách đặt hàng được người giao hàng đưa hàng và thu hộ tiền cho người bán, không có hóa đơn bán hàng, do vậy không rõ nguồn gốc sản phẩm để có thể truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm không đúng như quảng cáo.

Trước tình hình trên, Cục ATTP khuyến cáo người tiêu dùng cảnh giác với các hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Gọi điện thoại tự xưng là bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế tư vấn, “bắt bệnh” và giới thiệu để bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Gọi điện thoại tự xưng là bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi sử dụng sản phẩm để giới thiệu và bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần lưu ý: sản phẩm này không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; cần đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua; chỉ chọn mua các sản phẩm có tên, địa chỉ rõ ràng; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán…

Thời gian qua diễn ra nhiều hình thức quảng cáo lừa đảo về thực phẩm chức năng. Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề trên, trước đó, trong một lần trả lời báo chí, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho hay, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng.

“Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Và trong khi thị trường thực phẩm chức năng vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.

Còn theo ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, để việc quản lý có hiệu quả hơn nữa, tránh tình trạng doanh nghiệp “nhờn” Luật, ngành Y tế cần phối hợp với Quản lý thị trường tốt hơn nữa để mở các đợt kiểm tra rà soát các nhà thuốc, nếu phát hiện sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc hoặc thực phẩm chức năng giả sau khi kiểm nghiệm sẽ xử phạt rất nặng theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

“Dù vậy, việc này cũng phát sinh hệ lụy là khi mua thực phẩm chức năng trong hiệu thuốc nhiều người dân lại nghĩ đó là thuốc, vì vậy, việc của các cơ quan chức năng là tuyên truyền tới người dân để hiểu đúng thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang